Mấy tuần này phải “bế môn tỏa cảng,” gạt tất cả mọi công việc ra ngoài, đọc cả trăm trang trang tài liệu, thêm hai cuốn sách tiếng Anh, để nghiên cứu và viết cho xong loạt bài cho dịp kỷ niệm 60 năm di cư.
Sáng Chủ Nhật ngày 20 tháng Bảy, 2014, xuống tòa soạn, nhìn ấn bản đặc biệt “Passage to Freedom – hành trình sang phía tự do” của nhật báo Người Việt, đầu vẫn còn choáng váng nhưng trong tim nhen nhúm một niềm vui.
Ra phố Bolsa, thấy người người chen vai nhau mở báo ra vừa đọc vừa bàn luận ở những quán cà phê, niềm vui tăng hơn một tí. Nhưng buổi trưa, khi đến dự hội ngộ kỷ niệm 60 năm di cư của các (cụ) cựu sinh viên Đại Học Hà Nội & Đại Học Xá Minh Mạng Sài Gòn, mà cụ trẻ nhất bây giờ cũng đã hơn 80 tuổi, thì mới thật cảm động và thấy lòng ấm áp. Hàng trăm tờ báo Người Việt ấn bản đặc biệt kỷ niệm 60 năm di cư được mang đến để tặng đồng hương. Nhìn những giòng chữ của mình, tôi lén thở một hơi dài nhẹ nhõm.
Có một điều không ai biết, là trong suốt thời gian làm việc căng thẳng ấy, và cả những phút giây thoải mái khi việc tạm xong, có một người rất thân vẫn song hành với tôi trong tâm tưởng. Và nếu không có ký ức về người, về những câu chuyện được nghe kể từ tấm bé mà đến giờ vẫn còn sống động trong trí nhớ, thì thời di cư của hơn 1 triệu người Bắc vào Nam, với tôi có lẽ không là một mốc lịch sử gây nhiều ấn tượng và xúc động như vậy.
Người đó chính là mẹ tôi!
Mẹ ơi, mẹ vẫn lẩn quẩn bên con trong thời gian hai tuần lễ vừa rồi phải không? Nếu vậy thì chắc mẹ biết là con đã nghĩ đến mẹ trong từng câu viết. Và những hôm như hôm nay, con “sáo sậu” (tên mà mẹ đặt cho) của mẹ nhớ mẹ vô cùng, nhớ như chưa bao giờ biết nhớ.
Không nhớ làm sao được khi từ lúc mới năm, sáu tuổi, mẹ đã nói cho tôi nghe về Hiệp Định Geneve, về chuyến di cư đầy nguy hiểm của bố mẹ, chuyện mấy lần mẹ xuýt bị bắt, vì cứ từ Hà Nội đi đi về về Nam Định nhiều lần xem ông bà nội có đổi ý chịu di cư vào Nam không, vì không muốn người chồng mới cưới phải buồn vì mẹ và bố quyết định vào Nam, mà phải để ông bà Nội ở lại miền Bắc. Cũng vì chờ mà bố mẹ nấn ná đến giờ phút cuối, suýt nữa bị kẹt ở lại.
Hồi nhỏ bố hay đi làm xa, em S. thì còn nhỏ. Tôi cứ thích lẩn quẩn cạnh mẹ. Mẹ hay vừa may vá hay luôn tay làm những việc gì đó, vừa hát.
Những lúc mẹ nấu cơm, tôi nhất định đòi theo xuống bếp, dù chẳng biết làm gì, có khi còn làm vướng chân mẹ nữa, nhưng cuối cùng thì cũng được mẹ giao cho việc nhặt rau, hay những việc lặt vặt không tên. Tôi thích lẩn quẩn bên mẹ chẳng phải vì thích phụ việc, nhưng vì thích nghe mẹ kể chuyện.
Thường thì mẹ mở đầu câu chuyện bằng: “Ngày mới di cư vào Nam…” hoặc nếu không thì lại bằng: “Hồi còn ở ngoài Bắc…”
Lúc ấy còn bé nên tôi chẳng thắc mắc tại sao chuyện của mẹ đa số toàn chuyện hồi mới vào Nam hay hồi còn ở Bắc. Khi lớn lên, và khi chính bản thân mình cũng di cư lúc chạc bằng tuổi mẹ, mới hiểu biến cố 1954 đã làm thay đổi đời mẹ và lịch sử Việt Nam như thế nào. Và hiểu khi nhắc đến chuyện ngày xưa, là vì mình đang ôn lại những chuyện ngày xưa ấy. Chắc những lúc kể chuyện cho tôi nghe, mẹ nhớ Hà Nội, nhớ quê hương lắm. Da diết. Như bị ai dùng lưỡi câu móc vào da thịt, phải không mẹ?
Ngày qua ngày, chuyện mẹ kể như kho văn chương, lịch sử truyền khẩu đưa tôi vào đời, những câu chuyện sống động mà đến bao nhiêu năm sau vẫn hằn trên trí nhớ. Nhưng thỉnh thoảng cũng có nhiều chuyện tôi không nhớ được mạch lạc, thầm ao ước giá có mẹ bên cạnh thì tha hồ hỏi, để thấm thía được nỗi buồn của đứa con sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Mẹ kể nhiều chuyện nhưng không hiểu sao những chuyện về chuyến di cư của bố mẹ tôi lại nhớ nhất. Nhớ cách đây bốn năm vào dịp 30 tháng Tư, khi đọc cuốn Deliver Us from Evil của Bác Sĩ Tom Dooley, viết về cuộc di cư 1954, tôi cũng nhớ mẹ kinh khủng:
“…Lật vài trang, tôi như bị thôi miên bởi những tấm hình trắng đen ghi lại cuộc di cư của hơn một triệu người trốn chạy cộng sản từ Bắc vào Nam. Những hình ảnh trông còn thê thảm hơn cảnh vượt biên của “boat people” vào biến cố Tháng Tư, 1975.
Tôi lật thêm vài tấm hình nữa. Toàn là những khuôn mặt chứa đầy hãi hùng, đau thương. Nhưng tại sao những hình ảnh xa lạ này lại thân thuộc đến thế? Một luồng điện chạy xẹt qua người. Phải chăng có hình ảnh cha mẹ tôi trong đám người hốt hoảng ấy kéo nhau di cư vàoNam năm ấy?
Ðột nhiên những câu chuyện mẹ tôi kể về cuộc di cư từ Bắc vào Nam của thế hệ bà, mà tôi đã nghe nhiều lần từ tấm bé ào ạt trở về.
Và những hình ảnh trước mắt chợt làm sống động những câu chuyện trước đây tôi chỉ được nghe mà không thể hình dung.
Lịch sử đang được phơi bày trước mắt. Những hình ảnh có thật, được ghi lại, kể lại bằng một nhân chứng sống, và một người ngoại quốc, lại làm tôi nhớ những điều đã được nghe mẹ kể, từ lâu lắm.
”…Ngày mới di cư vào Nam bố mẹ hai bàn tay trắng. Nhà ông bà nội cũng khá, nhưng có bao nhiêu tiền bà nội mình đưa cho cô Quang (chị ruột của bố) để gia đình cô chuẩn bị đi, vì sợ vào Nam cô Quang khổ. Còn bố mẹ thì bà không cho đồng nào, vì nói rằng đã có ông ngoại lo. Ông ngoại thì sau khi chạy loạn về quê cũng chẳng còn đồng nào.”
”…Ngày mới di cư vào Nam nhà mình nghèo lắm, bố thất nghiệp tìm mãi chưa được việc còn mẹ thì buôn thúng bán bưng. Lúc có bầu con, mẹ phải gánh quang gánh đi bán lúc trời mưa lạnh, đứng dưới hàng hiên nhà người ta mà người run lên, có thể vậy mà lớn lên con hay bị cảm, và sợ lạnh…”
Hôm nay buồn. Nhưng hình như lúc nào nhớ mẹ cũng buồn. Biết có bao giờ bình tâm đủ để viết lại những điều mẹ kể, ghi lại một kho lịch sử truyền khẩu, và một cuộc đời dài đã đi qua…?
Hà Giang
July 22, 2014