Thở phào nhẹ nhõm, ông Vinh cho biết phán quyết này “kết thúc một giai đoạn cũ” của cuộc đời mình.
“Tôi nóng lòng bắt đầu một đoạn đời mới, vẫn đấu tranh, nhưng theo một cách khác, cho thích hợp với bối cảnh thời cuộc.” Ông tâm sự, rồi nói thêm: “Đây là tin vui chung, vì nếu chính phủ Hoa Kỳ quyết định trục xuất, trao tôi cho chính quyền Hà Nội, thì giống như tạt một gáo nước lạnh vào mặt những người đấu tranh đòi tự do dân chủ cho Việt Nam.”
Ông Võ Đức Văn, em ruột, “chiến hữu” của ông Nguyễn Tấn Vinh trong đảng Dân Tộc Việt Nam, cũng từng nằm tù vì đấu tranh, và là người biết bao năm nay đôn đáo khắp nơi để lo hồ sơ kháng án cho anh trai, bày tỏ niềm hân hoan: “Quyết định của tòa cho thấy nước Mỹ luôn dành sự bênh vực về pháp lý cho người đấu tranh chống lại các chế độ độc tài.”
Ông Văn cho rằng nhờ chính sách không ủng hộ những chế độ độc tài toàn trị, mà dù ông Nguyễn Tấn Vinh có “vướng víu vào pháp lý” nước Mỹ cũng “không thể đang tâm” trục xuất ông về Việt Nam, để giao cho nhà cầm quyền nước này.
Hồ sơ kháng án của ông Nguyễn Tấn Vinh, do Luật Sư Gary Silbiger đảm trách, tập trung vào một chiến lược then chốt, là xin tòa cho thân chủ ông được bảo vệ theo Convention Against Torture (CAT) – Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn.
Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn (CAT) là công ước quốc tế đòi hỏi các nước ký kết phải có biện pháp hữu hiệu chống tra tấn tại nước mình, và nghiêm cấm các quốc gia trả di dân về đất nước họ, nếu có lý do để tin rằng khi trở về, họ sẽ bị hành hạ hay tra tấn.
Đầu đuôi câu chuyện
Câu chuyện bắt đầu cách đây hơn 13 năm.
Ông Nguyễn Tấn Vinh qua Mỹ định cư từ năm 1985, và gia nhập đảng Dân Tộc Việt Nam, ít lâu sau khi trở thành thường trú nhân.
Vào tháng Sáu, 2001, ông Vinh và nhiều thành viên khác của đảng Dân Tộc Việt Nam đồng loạt tổ chức các vụ đặt bom trước hai tòa đại sứ Việt Nam tại Manila và Bangkok để “gióng lên tiếng nói phản đối chế độ độc tài toàn trị và việc đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội,” nói theo lời của đảng này.
Việc đặt bom đổ bể, ông Vinh bị bắt giam tại Manila, Philippines.
Mãn hạn tù ở Philippines, ông Vinh bị đưa về Hoa Kỳ để tiếp tục vào tù, vì đã phạm luật Hoa Kỳ trong việc dùng giấy thông hành (passport) của người khác để đến Philippines.
Sau khi mãn hạn tù ở Mỹ, ông Vinh bị nhân viên Sở Di Trú chờ sẵn ngoài cửa, đưa về tạm giam ở Lancaster, rồi nhiều nhà tù khác, chờ ngày ra tòa, vì theo luật di trú Hoa Kỳ, thường trú nhân Hoa Kỳ phạm pháp và bị án tù lâu hơn một năm, có nguy cơ bị trục xuất.
Ngày 5 Tháng Tám, năm 2009, Tòa Án Di Trú Hoa Kỳ ra phán quyết ông Vinh “bị trục xuất, trả về Việt Nam.”
Ngày 19 Tháng Mười Một, 2009, đơn xin kháng án của ông với Hội Ðồng Tái Xét Di Trú Hoa Kỳ (Board of Immigration Appeals) tại Virgina, do Luật Sư Gary Silbiger đảm trách, bị khước từ.
Sau nhiều lần kháng án, cuối cùng hồ sơ của ông được chuyển lên Tòa Kháng Án Khu Vực 9 ở Passadena, tòa án liên bang có thẩm quyền cao nhất nước Mỹ (chỉ dưới Tối Cao Pháp Viện).
Hy vọng cao nhất của Luật Sư Silbiger trong việc làm cho lệnh trục xuất bị ngừng lại, là xin tòa cho thân chủ mình được bảo vệ theo Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn.
Muốn được như vậy, ông phải làm sao thuyết phục được các thẩm phán là nếu bị trả về Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Vinh sẽ bị nhục hình.
Quyết định có nên ngăn chặn lệnh trục xuất ông về Việt Nam của tòa Di Trú Hoa Kỳ hay không, quả không đơn giản. Đó là lý do tại sao Tòa Kháng Án Khu Vực 9 đã phải dùng đến thủ tục “En Banc,” một tiến trình thảo luận giữa các thẩm phán, kéo dài gần một năm mới đi đến kết quả.
Ông Nguyễn Tấn Vinh (trái) cùng một số thành viên của đảng Dân Tộc Việt Nam, tuần hành trước cửa Tòa Kháng Án Khu Vực 9 (Apellate Court, Ninth Circuit) ở Passadena, trước phiên xử quyết định có trục xuất ông hay không, vào ngày 8 tháng Mười, 2013 (Hình: Hà Giang)
Câu hỏi được đặt ra để rút tỉa kinh nghiệm là tại sao cũng với chừng đó chứng cớ, mà cả Tòa Di Trú lẫn Hội Đồng Tái Cứu Xét Di Trú đều bác đơn xin được bảo vệ theo CAT của ông Nguyễn Tấn Vinh, trong khi đó Tòa Kháng Án Khu Vực 9 lại chấp thuận.
Ông Nguyễn Tấn Vinh nhận định: “Tôi thua ở tòa địa phương là vì nhân chứng hai bên không cân xứng. Bên công tố họ mời giáo sư luật về hưu, ông Tạ Văn Tài, ở Massachussets xuống, ông này là giáo sư luật, có tài hùng biện, lại nói tiếng Anh hay, còn phía tôi, nhân chứng, trong đó có bà Luật Sư Bùi Kim Thành, dù chính bản thân từng bị cộng sản hành hạ, nhưng mới ở Việt Nam qua, nói tiếng Anh không rành, còn người thông dịch thì không có sức thuyết phục.”
Trong khi đó, ông Võ Đức Văn cho rằng có lẽ nhờ thủ tục “En Banc” nên Tòa Kháng Án Khu Vực 9 mới có đủ thời giờ (gần một năm) để xét kỹ chứng cớ do hai bên đưa ra, trong khi đó các tòa dưới, mỗi tòa chỉ có vài giờ hay vài ngày để quyết định.
Lập luận của tòa
Tập tài liệu dài gần 30 trang do Tòa Kháng Án Khu Vực 9 công bố hôm 14 tháng Tám, 2014, đúc kết ý kiến của các vị thẩm phán, cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng của họ trước khi quyết định ngừng lệnh trục xuất của tòa Di Trú.
Tài liệu này trích ý kiến của chánh án Harry Pregerson, được xem như kết luận của tòa: “Các chứng cớ đưa ra buộc chúng tôi phải kết luận rằng, xác xuất ông Nguyễn Tấn Vinh bị tra tấn nếu bị đưa về Việt Nam cao hơn là không bị tra tấn nhiều, vì thế chúng tôi đề nghị tòa dưới ngừng trục xuất, để ông được bảo vệ theo Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn.”
Trong phần nêu ra chứng cớ cụ thể, chánh án Pregerson dẫn chứng: “Ông Nguyễn Tấn Vinh đưa ra sáu nhân chứng, trong đó hai người là tù nhân chính trị và bản thân từng bị hành hạ. Người thứ nhất cho biết ông bị bỏ đói, không cho uống nước, và chứng kiến một bạn tù vì bị bỏ đói và khát đến chết. Người thứ hai (bà Bùi Kim Thành) khai rằng bà bị chích một loại thuốc gì đó khiến khi tỉnh dậy bị mất trí nhớ, đầu óc lùng bùng, ngoài ra còn bị đánh đập đến nỗi gãy chân, và sức khỏe bị vĩnh viễn tàn phá.”
Về phía nhân chứng của Tòa Di Trú, chánh án Pregerson phân tích: “Phía chính quyền đưa ra nhân chứng duy nhất là một giáo sư dạy luật tại Đại Học Luật ở Havard đã về hưu (ông Tạ Văn Tài). Trước tòa, nhân chứng này trình bày những gì ông nghĩ về tình hình tại Việt Nam, và kết luận rằng nếu bị trả về Việt Nam, nhiều phần chắc là ông Nguyễn Tấn Vinh sẽ không bị hành hạ, tra tấn.”
Kết luận của nhân chứng Tạ Văn Tài, vẫn theo phân tích của chánh án Pregerson, dựa trên ba lập luận chính, và cả ba lập luận này đều không được Tòa Kháng Án Khu Vực 9 chấp nhận: “Thứ nhất, nhân chứng (Tạ Văn Tài) khai rằng hành hạ tù nhân trái với luật pháp Việt Nam, và thứ hai, Việt Nam sẽ không hành hạ tù nhân chính trị vì sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của nước này trước thế giới. Cả hai điều này không đúng, vì theo các bản tường trình của Human Right Watch và tường trình của chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, dù luật pháp Việt Nam cấm việc hành hạ người tù, công an của nước này thường xuyên đánh đập va tra tấn tù nhân trong lúc bị bắt hay giam cầm.”
“Cuối cùng, nhân chứng (Tạ Văn Tài) lập luận rằng dù chắc chắn là khi về đến Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Vinh sẽ bị bắt giam và bị hỏi cung, nhưng chắc là ông Vinh sẽ hợp tác với họ và khai hết, vì thế chính quyền Việt Nam sẽ không ‘cần’ phải tra tấn. Lập luận này rất buồn cười, thứ nhất chính vì hàm ý của người chứng, rằng chính quyền Việt Nam không cần phải tra tấn nếu ông Vinh khai hết, điều này có nghĩa là nếu ông Vinh không chịu khai thì họ sẽ tra tấn. Nhưng quan trọng hơn, các chứng cớ do tường trình của Human Right Watch và tường trình của chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra cho thấy, chính quyền Việt Nam thường xuyên đánh đập tù nhân, hoặc vì ép họ nhận tội, hoặc vì muốn trừng phạt hay dằn mặt những người bất đồng chính kiến, chứ không liên quan gì đến việc họ chịu khai hay không chịu khai.”
Cũng vẫn theo công bố dài 30 trang của Tòa Kháng Án Khu Vực 9, một chứng cớ nữa cũng được Tòa Kháng Án Khu Vực 9 xét đến và đánh giá cao, đó là việc Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Việt Nam viết một công điện cho Interpol Việt Nam ngày 8 Tháng Năm, 2002, gửi đến Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Manila, nhờ chuyển cho chính phủ Philippines yêu cầu dẫn độ ông Vinh về Việt Nam để trừng trị vì âm mưu tấn công sứ quán Việt Nam bằng bom.
Chánh án Pregerson nhận định: “Hội Ðồng Tái Cứu Xét Di Trú Hoa Kỳ” kết luận rằng chính phủ Việt Nam nhiều phần chắc cũng chẳng biết ông Nguyễn Tấn Vinh là ai, đừng nói gì đến chuyện bắt bớ, giam cầm hay hành hạ khi ông Vinh về đến Việt Nam. Kết luận như thế chắc phải là mù lòa (blind) vì không để ý gì đến chứng cớ rõ ràng trong công điện đòi chính phủ Philippines yêu cầu dẫn độ ông Vinh về Việt Nam để trừng trị nói trên.”
Ông Võ Đức Văn, em trai và là ngừơi đảm trách việc hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Tấn Vinh, (trái) nói chuyện với Luật Sư Gary Silbiger. (Hình: Hà Giang)
Rút tỉa kinh nghiệm
Nhìn lại con đường đã vượt qua, ông Nguyễn Tấn Vinh chia sẻ: “Thấy mọi việc khó khăn quá, tôi thoạt đầu cũng bi quan, định buông mặc cho số mệnh, nhưng càng nghĩ thì tôi càng thấy mình là người đi đấu tranh thì không thể bỏ cuộc dở chừng, mà phải còn nước còn tát, vì thế tôi đi gặp một bà làm thiện nguyện ở nhà tù, nhờ bà tìm dùm cho một luật sư chuyên bào chữa cho người bị trục xuất, nhờ đó mới gặp được Luật Sư Gary Silbiger.”
“Vui nhất là được nhìn thấy mẹ già 88 tuổi của tôi an tâm và sung sướng. Má tôi vui đến nỗi trông bà trẻ lên mấy tuổi.” Ông tâm sự.
Ông Võ Đức Văn, người bỏ nhiều năm trời để đi khắp nơi vận động cho anh ruột khỏi bị trục xuất, chia sẻ kinh nghiệm đi vận động. Ông kể: “Tôi mang hồ sơ đi khắp nơi để vận động cho anh Vinh. Một lần tôi đi gặp ông dân biểu liên bang Ed Royce trong cuộc kêu gọi sự dàn xếp chính trị cho vấn đề Biển Đông, ông Ed Royce nói những người Mỹ gốc Việt có trách nhiệm đối với vấn đề Việt Nam, tôi hỏi ông là không biết người Mỹ gốc Việt có được quyền can thiệp vào vấn đề chính trị Việt Nam hay không? Ông Ed Royce nói có chứ. Tôi hỏi, vậy ông có bao giờ nghe một người là thường trú nhân ở đây bị trục xuất về Việt Nam vì đi đấu tranh cho Việt Nam không, ông Royce nói chưa bao giờ nghe. Rồi bảo tôi đưa hồ sơ cho ông nghiên cứu.”
Ông Văn kể tiếp: “Không biết ông Ed Royce có giúp gì cho mình không, và giúp như thế nào, nhưng sau đó tôi được giới thiệu đi nhiều nơi. Tôi đến cả Bộ Nội An, gặp đại diện của bà Janet Napolitano, và từ đó được họ giới thiệu đến gặp một cơ quan bảo vệ nhân quyền của Quốc Hội, ngoài ra còn nhiều vị dân biểu liên bang khác cũng đã sẵn lòng giúp đỡ . Tôi nghĩ rằng không có sự giúp đỡ của họ, của báo chí, của cộng đồng thì chúng ta không có được một kết quả sẽ trở thành tiền lệ như thế này.”
Được hỏi về những điều chiêm nghiệm được, ông Văn nhận định: “Tôi thấy rằng trong việc đấu tranh pháp lý thân chủ và luật sư cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau để mang đến kết quả tốt nhất. Mình phải bỏ thì giờ trình bày sự việc cho luật sư, và đưa hết những chứng cớ cho họ để họ có thể bào chữa tốt nhất cho mình.”
Về dự tính tương lai, ông Nguyễn Tấn Vinh cho biết trong khi chuẩn bị tiếp tục một giai đoạn đấu tranh mới, ông muốn dành nhiều thì giờ bên mẹ, vì bên tai ông giờ vẫn còn vang câu nói của bà: “Con được ở lại Mỹ rồi, má hết lo rồi. Còn tương lai con thì sao con có thể cho má biết không?”
“Tôi chưa dám cho bà biết dự tính của mình!” Ông Vinh nói thêm.
Còn ông Võ Đức Văn thì cho biết hiện giờ đang đi học luật. Ông nói: “Những ngày tháng trong tù cho tôi nhiều thời gian để suy nghĩ, và tôi thấy rằng nếu mình muốn tiếp tục tranh đấu đòi nhân quyền cho Việt Nam thì học luật là điều cần thiết. Học luật cũng là để chuẩn bị hành trang cho mình đầy đủ hơn, vì sự đóng góp của mình cho đất nước sẽ là về lâu về dài.”
Hà Giang