Họp mặt của phóng viên Mỹ từng tham dự chiến trường Việt Nam

Nói về cuộc chiến Việt Nam, ký giả lão thành Tim Page lấy tay chỉ vào đầu, bảo “đầu óc vẫn còn lùng bùng” vì hậu quả của thương tích, rồi bảo cuộc chiến Việt Nam là một “cuộc chiến đặc biệt.”

Tại sao?

Phóng viên Nick Út hãng AP chạy Honda chở nhà thơ Trần Mộng Tú, lúc đó làm thư ký cho hãng AP, năm 1970, đoạn đường phía trước Rex và Eden, Sài Gòn. (Hình: Nick Ut cung cấp)

Phóng viên Nick Út hãng AP chạy Honda chở nhà thơ Trần Mộng Tú, lúc đó làm thư ký cho hãng AP, năm 1970, đoạn đường phía trước Rex và Eden, Sài Gòn. (Hình: Nick Ut cung cấp)

Một phần vì, “đó là chiến tranh đầu tiên và cũng là cuối cùng mà những bài tường thuật không bị kiểm duyệt, và quân đội (Hoa Kỳ) tạo phương tiện cho các ký giả chiến trường có mặt ở khắp các chiến trận và đi khắp nơi trên đất nước Việt Nam.”

Trong cuộc chiến mà ông Page gọi là “đặc biệt,” ông đã trả giá đắt cho nghiệp làm báo: Ông đã bị thương ở Việt Nam 4 lần, tất cả với đạn của “phe mình.”

Lần bị thương cuối cùng xẩy ra khi ông nhẩy xuống khỏi một chiếc trực thăng để cứu những người bị thương, một người đi trước ông giẫm phải một bãi mìn, và một mảnh mìn đã chạy vào đầu ông để, theo lời ông, chơi “trò trốn bắt.”

“Trò trốn bắt” đó đã khiến ông tưởng chết, nhưng ông sống sót và phải nằm lăn lóc tại các bệnh viện và dưỡng đường trong suốt thập niên 70s để phục hồi sức khỏe.

Nói đến đó, ông ngừng lại, lẩm nhẩm lời bài hát Hotel California: “You can check out any time you like, but you can never leave,” để ngụ ý nói người ta có thể rời khỏi Việt Nam, nhưng có lẽ không bao giờ rời xa nó được.

Tính từ sau khi chiến tranh chấm dứt, ông Page đã trở lại Việt Nam 63 lần.

Nghe ông tâm sự, người ta không thể không bâng khuâng thầm nghĩ đến câu nói của ai rằng “súng đạn vẫn vô tình, nhưng lòng người nên độ lượng.”

Ký giả Tim Page là một trong hơn 70 ký giả và phóng viên ảnh của thời chiến tranh Việt Nam tại hãng AP và UPI đã đến tham dự cuộc hội ngộ các phóng viên chiến trường Việt Nam, gặp mặt nhau tại nhà hàng Brodard Chateau giữa lòng Little Sài Gòn.

Những ký giả đã ở tuổi 60 đến 70 đi lại tay bắt mặt mừng, chuyện trò thân mật như đã quen nhau từ bao giờ. Nhìn họ người ta không thể không hình dung ra những hình ảnh gan lì sông xáo của chính họ cách đây bao nhiêu thập niên để ngậm ngùi.

Nhà báo nữ tại chiến trường
Nữ phóng viên Jurate Kazickas là cộng tác viên của AP, đến Khe Sanh, Việt Nam vào tháng 3 năm 1968 là một phụ nữ có khuôn mặt nhiều cảm xúc của một người làm việc thiện nguyện hơn là một phóng viên chiến trường.

Và những lời chia sẻ của bà cũng đầy xúc cảm.

Bà Jurate Kazichas chia sẻ rằng nghĩ đến chiến tranh Việt Nam, bà luôn bị ám ảnh với những khuôn mặt non nớt của những người lính trẻ.

“Họ sao trẻ đến thế, khoảng 18, 19 tuổi, mặt đầy vẻ non nớt, đầy nhậy cảm và có lẽ chưa bao giờ xa nhà. Nhìn họ tôi không thể dằn được nỗi thương tâm, không khỏi lo cho số mệnh của họ trước sự vô tình của chiến tranh…” Bà Kazickas tâm sự.

Còn nữ phóng viên ảnh Barbara Gluck của tờ New York Times đến Việt Nam từ năm 1967, phát biểu:

“Phải nói ngay rằng trái tim tôi vẫn còn ở Việt Nam. Tôi yêu dân tộc đó, đất nước đó!”

Bà Gluck về làm việc tại Việt Nam 4 năm liên tục để tường trình về cuộc chiến.

“Kỷ niệm đáng nhớ về cuộc chiến thì nhiều lắm. Tôi đã từng ngồi trên chuyến bay B-52 dài 14 tiếng, mang bom ném xuống Bắc Việt.” Bà bảo.

Một kỷ niệm nữa là sau khi ở Việt Nam được 4 năm, bà đột nhiên có ý nghĩ là mình phải làm một bài về Việt Cộng, về kẻ thù, về phía bên kia. “Không thể viết về một cuộc chiến cả 4 năm mà chỉ viết mãi về một bên được,” bà kể.

Thế rồi ngày đó bà nhất định là một việc không ai dám làm, là tìm đến mé sông Mekong, tìm vào một đồn của Việt Cộng. Họ tiếp mình một đêm, kể cuộc đời của họ, “tưởng họ phải là kẻ thù, nhưng lúc đó mới thấy rằng kẻ thù cũng là người, cũng thân thiện,” bà nói.

Chưa đi Việt Nam thì chưa phải nhà báo
Trưởng văn phòng của AP tại Sài Gòn là ông Richard Pyle tốn 5 năm của tuổi trẻ mình cho cuộc chiến Việt Nam. Và với ông, đó là kinh nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của ông.

“Trong thế hệ của chúng tôi, với giới báo chí, cuộc chiến Việt Nam là câu chuyện lớn nhất cần phải kể. Nếu anh không ở Việt Nam, không tường trình về cuộc chiến đó, thì chưa phải là người làm tròn phận sự với ngành truyền thông.” Ông khẳng định.

Tương tự như ông Page, ông tâm sự là những ai đã tường trình về cuộc chiến Việt Nam đều đã tạo ra những mối thâm tình rất sâu đậm với những người Việt ở đó, những chiến sĩ đã hy sinh cho lý tưởng của họ, một dân tộc hiền hòa.

“Người ta cứ đổ tội cho giới truyền thông, và nói rằng chúng tôi khiến Hoa Kỳ thay đổi chính sách về cuộc chiến VN, nhưng sự thật không phải thế.”

Ông khẳng định, rồi giải thích thêm:

“Ai cũng buồn là cuộc chiến đưa đến kết quả không như ý muốn. Nhưng chúng tôi đã làm việc hết sức. Cuộc sống với chúng tôi lúc đó đã thu gọn trong mỗi bài viết. Chúng tôi đã tường trình trung thực và chính xác bằng mọi giá: 4 ký giả của AP cũng đã bỏ mình vì cuộc chiến.”

“Ngày xưa bỏ cả tuổi trẻ cho đam mê nghề nghiệp, nhưng giờ đây chúng tôi đã già hết rồi. Hình như những kỷ niệm tạo ra trong cuộc chiến thật gắn bó.” Ông tâm sự.

Nhà báo Edie Lederer, ký giả nữ toàn thời gian đầu tiên được AP đưa về Sài Gòn cho biết là bà đến đúng lúc để chứng kiến việc Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân.

“Vài tuần sau khi đến Việt Nam, tôi nhớ nghe Henry Kissinger lên đài truyền hình nói ‘Hòa Bình sắp đến’ nhưng hòa bình mãi chẳng đến mà cuộc chiến ngày càng thêm đẫm máu.”

Với bà Lederer kỷ niệm đáng nhớ nhất là cuộc trao đổi tù binh. Bà bảo:

“Buồn cười nhất là nhiều người lính miền Bắc cởi hết quần áo và tới bên kia thì chỉ còn quần đùi. Một số tù binh Hà Nội không muốn về Bắc, và một vài tù binh miền Nam không muốn trở về Nam.”

Hai cựu phóng viên AP tại chiến trường Việt Nam: Nick Út (trái) và Tim Page trong buổi hội ngộ ký giả Mỹ thời chiến tranh tại nhà hàng Brodard Chateau, Garden Grove. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Hai cựu phóng viên AP tại chiến trường Việt Nam: Nick Út (trái) và Tim Page trong buổi hội ngộ ký giả Mỹ thời chiến tranh tại nhà hàng Brodard Chateau, Garden Grove. (Hình: Hà Giang).

Về kỷ niệm vui, bà kể nhớ nhất là một lần cùng Nick Út đi tường trình một cuộc chiến nào đó, rồi bị pháo kích bất ngờ, rồi tự nhiên thấy mình và phóng viên Nick Út cùng rơi xuống một đường mương nào đó.

Phóng viên ảnh Nick Út chia sẻ rằng “cuộc chiến Việt Nam là cuộc đời” của mình.

Kỷ niệm đầu tiên của anh trong ngành báo chí là làm việc với AP trong phòng tối trong suốt thời gian ba tháng trời.

Nick Út cho biết trong thời gian này anh đã nhìn thấy cả hàng chục ngàn tấm hình về chiến tranh Việt Nam trước khi chụp tấm hình đầu tiên.

Một hôm kia AP thiếu người nên Nick Út bị boss cử đi “chụp người nữ sư cô tự thiêu” rồi không ngờ tấm hình đó lại được đăng trang hình bìa, và từ đó anh dần dà thành phóng viên chiến trường và đoạt giải Pulitzer với tấm hình Kim Phúc.

Hơn 70 ký giả, hơn 70 tâm trạng, một kinh nghiệm chung với bao nhiêu kỷ niệm cá biệt.

Nhưng buổi hội ngộ hôm nay sao thân tình và đầy ắp cảm xúc, khác hẳn bao nhiêu hội ngộ khác? Ðiều đã mang họ đến gần và giữ được họ gần nhau trong suốt bao nhiêu năm trời, có phải là tình người?

Hà Giang
Người Việt – 14 tháng Năm, 2011


 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *