Đi câu cá ‘Sportfishing’ nơi lãnh hải Mỹ – Mexico (kỳ 1)

Một buổi tối tháng Tám, tại Point Loma Sportingfishing ở San Diego, trên dưới 15 chiếc tàu lớn chen chúc nhau trên dòng nước phẳng lì khoảng vài chục feet gần bờ, chờ đón những người khách đi câu ngoài biển lớn.

Sport Fishing 1

Tàu New Lo-An đậu ở bến Point Loma Sportingfishing ở San Diego chờ đưa khách ra khơi câu cá. (Hình: Hà Giang)

Nước phẳng, nhưng lòng người không lặng. Trên tàu, thủy thủ đoàn tất bận dọn rửa con tàu vừa về đến cảng sau nhiều giờ, hay nhiều ngày trên biển. Dưới bến, hàng chục người đàn ông lũ lượt bước xuống con đường duy nhất dẫn xuống tàu.

Nhìn những khuôn mặt khuôn mặt rắn rỏi, đen sạm vì nắng gió, và dáng vẻ nhanh nhẹn của họ, người ta hình dung đến những chữ “giang hồ, tứ chiến.”

Gọi họ là “giang hồ” cũng đúng. Họ đổ về đây từ khắp nơi, người lái xe từ San Bernadino, Los Angeles, Torrance, người từ Arizona, Kansas, Missouri bay đến. Ba lô trên vai, tay cầm cần câu, tay kia xách đôi ủng lội mưa, hoặc cả hai tay bận rộn với chiếc xe đẩy cá nhân chất cao đồ nghề của một chuyên gia câu cá, họ lần lượt bước gần đến cánh cổng phía trong, rồi dừng lại ở chỗ nỗi với chiếc cầu gỗ dùng làm nơi cho khách xuống xuống tàu và lên tàu, xếp thành hàng thứ tự, chờ giờ lên tàu ra khơi.

Khuôn mặt nắng gió của Jack, một dân câu cá thể thao tiêu biểu. (Hình: Hà Giang)

Khuôn mặt nắng gió của Jack, một dân câu cá thể thao tiêu biểu. (Hình: Hà Giang)

Cũng là dân đi câu, nhưng những người này đến đây không vì muốn tìm cái thú tiêu khiển thanh tao của người ngồi bên bờ sông, thảnh thơi đọc sách lúc đợi “cá đâu đớp động dưới chân bèo,” mà muốn tham gia một sinh hoạt gay cấn, và một chuyến đi đầy thách thức.

Họ là những người “câu cá thể thao.”

Một kỹ nghệ lớn
Tại Hoa Kỳ, câu cá thể thao (offshore sportfishing), còn gọi là câu cá biển sâu (deep-sea fishing) hoặc câu cá lớn (big-game fishing) là một kỹ nghệ đáng kể, mang đến cho quốc gia hơn $115 tỷ về sản lượng kinh tế và tạo ra được hơn 828,000 công ăn việc làm.

Một khảo sát của U.S. Fish and Wildlife Service về những cuộc giải trí liên quan đến câu cá, và săn bắn động vật hoang dã của Mỹ cho biết hiện có trên 40 triệu người đi câu cá (thể thao) có giấy phép còn hiệu nghiệm, và trong vòng 5 năm qua, có ít nhất là 60 triệu người nhận rằng mình từng tham gia tích cực vào môn thể thao độc đáo này.

Trong khi đó, theo tổ chức American Sportfishing Association (ASA), nếu toàn thể ngành câu cá thể thao được xem là một công ty, nó sẽ sếp hạng 51 trong danh sách các công ty Fortune 500. ASA cũng cho biết đóng góp kinh tế của ngành câu cá thể thao đã phát triển nhanh chóng trong vài thập niên qua.

So với công nghiệp đánh cá thương mại (commercial fishing), dân đánh cá thể thao chỉ câu được khoảng 2% số cá, trong khi công nghiệp đánh cá thương mại câu 98%. Thế nhưng mỗi 100,000 pounds cá do giới đi câu thể thao bắt được, có thể tạo ra được 210 công ăn việc làm so với chỉ 4.5 việc làm của ngành đánh cá thương mại.

Muốn đi câu cá thể thao phải được tàu lớn đưa ra đại dương, rồi ở đó được hướng dẫn câu những loại cá lớn như cá ngừ (yellow fin tuna), cá kiếm (sword fish), mà con bé nhất, cũng nặng từ nặng từ 7, 8 ký trở lên, và con lớn nhất câu được từ trước đến giờ nặng hơn 201 ký.

Trung bình một tàu cung cấp dịch vụ câu cá thể thao chứa được khoảng 30 người đi câu, do một thuyền trưởng và thủy thủ đoàn chừng 5, 6 người, làm việc gần như 24/24 trong suốt chuyến đi để điều khiển tàu và phục vụ khách hàng. Tàu nào cũng trang bị dụng cụ tầm ngư (sonar fish finder), thùng chứa cá mồi, cần kéo mồi để tìm cá, và hầm giữ cá ở độ lạnh khoảng 28 đến 30 độ 30 độ F để giữ cho cá tươi cho đến khi về đến bến.

Giá trung bình của một chuyến đi đánh cá 2 đêm 1 ngày là khoảng $375 / một người, cộng với tiền ăn uống trên tàu, tiền làm cá và tiền típ, đưa tổng cộng phí tổn lên khoảng hơn $400 / một người.

Đoàn người đi câu đứng chờ giờ lên tàu. ((Hình: Hà Giang)

Đoàn người đi câu đứng chờ giờ lên tàu. ((Hình: Hà Giang)

Chi phí hơn $400 cho một chuyến đi, đối với những ai ở bên ngoài “thế giới” câu cá thể thao, thì “có vẻ đắt,” nhưng đối với giới mê môn thể thao này thì “rất đáng đồng tiền bát gạo” vì chỉ cần chỉ tính số cá mang về không thôi “là cũng đủ lời rồi.”

Ông Nguyễn Thế Cường, một người Mỹ gốc Việt ở quận Cam cho biết năm nào ông cũng đi câu: “Phải đi một lần, bắt được con cá tuna lớn, xẻ thịt ra ăn sashimi, mới thấy là ăn sashimi cá tươi vừa mới bắt lên ngon như thế nào, không nhà hàng sushi nào bì được.”

Ông Tùng Nguyễn, người bạn đi cùng chuyến, phụ họa: “Tôi câu cả mấy chục năm nay rồi, từ câu hồ tới ra câu ở biển, rồi theo người ta đi những chuyến tàu ra khơi nửa ngày, hay một ngày, nhưng mấy chuyến đó câu khi được khi không, chỉ có chuyến đi hai ngày một đêm này là chắc ăn nhất, bảo đảm không câu được cũng có cá mang về.”

Ông Phong Võ, một người bạn khác giải thích: “Vì tàu ra khơi xa, lại biết tìm luồng cá nên lúc nào cả tàu nào cũng bắt được số cá đụng trần, mà mỗi người dù câu được bao nhiêu cũng chỉ được mang về mỗi loại cá 5 con, nên ai cũng có cá.”

Chuyến đi kỳ thú
Trong số gần 30 người đứng xếp hàng, chỉ có 4 người gốc Việt, và một phụ nữ duy nhất – là tác giả bài báo này. Đang chuyện trò vui vẻ, mọi người đột nhiên nhốn nháo khi có tiếng còi tàu rú lên.

“Tàu mình đến rồi kìa!” Ông Tùng reo lên.

“7 giờ 30. Đúng giờ thật!” Người đàn ông khác liếc nhìn chiếc đồng hồ reo tay, buột miệng, rồi rõi mắt nhìn chiếc tàu trắng lớn, mang tên New Lo-An, mang những đàn pha làm sáng chói chang một góc bến, đang từ từ tiến vào bờ và tìm cách cập bến.

 Người đi câu xuống tàu sau một chuyến đi vui nhưng vất vả. (Hình: Hà Giang)

Người đi câu xuống tàu sau một chuyến đi vui nhưng vất vả. (Hình: Hà Giang)

Vài phút sau, một đoàn người, mặt thoáng chút mệt mỏi nhưng hả hê và đỏ au vì nắng, vai đeo ba lô, tay cầm cần câu, bắt đầu rời tàu. Theo sau chân họ là các thủy thủ trẻ tuổi đẩy những chiếc xe màu xanh lớn chất đầy cá ra bãi đậu xe.

“Ồ yellow fin tuna (cá ngừ) nhiều quá!” Mọi người tặc lưỡi trầm trồ.

“Chà họ bắt được nhiều thế thì còn cá đâu cho mình bắt nữa!” Một người khôi hài trước tiếng cười ồ vui vẻ. Dân đi câu quen ở bến này ai cũng biết New Lo-An là con tàu có số cá bắt được cao hạng nhì của Point Loma Sportingfishing.

Đúng tám giờ tối, mọi người kéo nhau lên tàu.

Hăng hái lên đường. (Hình: Hà Giang)

Hăng hái lên đường. (Hình: Hà Giang)

Đã ghi danh và trả tiền tàu trước, nhưng việc đầu tiên họ phải làm là máng cần câu của mình lên hai bên lưng tàu, rồi lên phòng ăn gặp người thủy thủ giữ sổ sách để điểm danh. Mỗi người đi câu được cho một số thứ tự, con số này sẽ được dùng để đánh dấu con cá họ câu được trong chuyến đi.

Đa số trong đoàn đi câu 31 người, đều đồng ý bỏ $10 đô la vào một cái hộp gọi là “Jackpot,” để dành làm tiền thưởng cho ai câu được con cá lớn nhất.

Jack, một người đi câu gốc Philippines, mà thủy thủ đoàn hầu như ai cũng quen mặt, kể rằng ông mới trúng jackpot cách đây 2 tuần, và “dùng tiền ấy để trang trải cho chuyến đi này.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt là có đi câu thường và có thường hay trúng giải không, Jack nói: “Có và có! Với tôi câu cá dễ lắm. Chỉ có câu con cá mập hai chân (two-legged shark) là khó thôi.”

Điểm danh và lấy số xong, mọi người đem đồ nghề của mình tranh nhau xuống lòng tàu để dành “phòng ngủ” mà một người nói đùa là “đã đến giờ vào khách sạn 5 sao.”

“Khách sạn 5 sao” là lòng tàu được chia làm 3 dãy giường chồng, với chỗ nằm có chiều dài chỉ vừa cho một người thấp khoảng 1.6 mét, và chiều cao không đủ cho bất cứ ai ngồi thẳng lưng. Những người sợ say sóng chọn nằm tầng dưới cùng, còn người không muốn ai nằm trên đầu mình chọn tầng trên cùng. Giường nằm tầng nào cũng chật cũng nhỏ như nhau, chỉ bỏ xong ba lô, và đôi ủng vào là hình như đã hết chỗ, nhưng chẳng ai có vẻ quan tâm.

Theo thời khóa biểu đã định, tàu sẽ rời bến lúc 9 giờ tối. Để câu được cá lớn, trong khi mọi người ngủ, tàu trưởng sẽ lái tàu đi đêm, ra đến vùng nước biển sâu, giáp ranh vùng biển giữa Hoa Kỳ và Mexico.

Đúng 9 giờ tối, tàu rời bến. Mọi người đứng tất cả trên boong hứng lấy làn gió mát mơn man, người lơ đãng nhìn ánh đèn của bến Point Loma lui lại sau lưng, kẻ quay nhìn ánh đèn của thành phố San Diego lung linh trên mặt nước trước mắt. Người khác chăm chú xem xét lại dụng cụ của mình để chuẩn bị cho phút “ứng chiến” lúc 6 giờ sáng.

Trước khi ra khơi, tàu ghé vào nơi mua mồi. Trong khi các thủy thủ dùng vợt để vớt những đám mồi lên từ hầm chứa cá, một thủy thủ khác tụ họp tất cả 31 người trên boong để thuyết giảng và dặn dò về vận hành của tàu.

Mồi là những con cá còn sống nhẩy lóc chóc, cá mòi, cá trích, cá sardine, đủ loại, từ 15cm đến 30cm. Thủy thủ đoàn xúc xong cá cho vào thùng chứa thì bài thuyết giảng cũng vừa hết, và tàu bắt đầu chòng chành lao vào đêm đen.

"Khách sạn 5 sao" trên tàu New Lo-An. (Hình: Hà Giang)

“Khách sạn 5 sao” trên tàu New Lo-An. (Hình: Hà Giang)

“Ai chưa kịp uống thuốc say sóng thì uống gấp đi nhe!” Một người nhắc bạn.

Đêm dần khuya. Mọi người lục tục kéo nhau hết xuống lòng tàu cố tìm giấc ngủ để dành sức ngày mai chiến đấu với đại dương và những con cá lớn. Với những ai mạo hiểm phiêu lưu vào thế giới câu cá thể thao lần đầu, thì đêm nay có lẽ sẽ là một đêm không ngủ.

Chợp mắt được vài giờ đồng hồ đã có tiếng viên thuyền trưởng vang vang trên loa: “Chào bà con, bây giờ là 5:30AM sáng, chúng ta đang ở ngoài khơi, mọi người dậy ngay để còn chuẩn bị cho một ngày câu cá bận rộn trước mặt.”

“5:45 sáng rồi, dậy chuẩn bị cần câu đi!” (Hình: Hà Giang)

“5:45 sáng rồi, dậy chuẩn bị cần câu đi!” (Hình: Hà Giang)

Chẳng đợi giục lần nữa, mọi người ngồi bật dậy, mò mẫm tìm đồ nghề, ra khỏi giường làm vệ sinh buổi sáng, chuẩn bị một ngày “sportfishing.”

Thuyền chao mạnh, chúng tôi vừa đi vừa bám vào thang leo lên để khỏi choáng. Ôi sao đi câu khổ thế này!

Nhưng vừa leo được lên boong là thấy dễ chịu ngay. Gió biển lồng lộng như thổi bay đi những nỗi choáng váng, di hại từ mùi xăng khiến mọi người vật vờ trong đêm.

Biển đẹp quá. Mênh mông và xanh ngút ngàn, tứ phía chẳng thấy đâu là bờ. Chợt nhớ mấy câu hát quen thuộc:

Ra sông,
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng
Ra khơi,
Thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới…

Dù đó chỉ là niềm tin hôm nay mình sẽ… câu được cá.

Trời chưa sáng hẳn, nhưng trên boong, đèn pha của tàu chiếu sáng choang mọi ngóc ngách. Nhiều tay đi câu dậy sớm đã sẵn sàng cần câu trong tay, hay đang xem xét lại bộ máy quay, chuẩn bị “chiến đấu.”

Nhiều người đang đứng sát vào hai chiếc bể dài và hẹp ở hai bên bồn chứa cá mồi, tay cầm móc câu, mắt đăm đăm nhìn những chú cá con đang bơi lội lăng quăng, không biết nỗi nguy hiểm đang chờ chực.

“Trận đánh” đầu tiên
Như đọc được ý nghĩ mọi người, viên thuyền trưởng lên tiếng nhắc nhở: “Mọi người sẵn sàng, nhưng chưa móc mồi ngay nhé! Chúng ta không muốn hết mồi trước khi gặp đám cá lớn. Có lẽ khoảng 15, 20 phút nữa sẽ có một luồng cá.”

Rồi ra lệnh: “Một người chuẩn bị ‘chumming,’ còn một người khác lên đây phụ tôi xem ống nhòm coi!”

Một chàng thủy thủ trẻ thoăn thoắt trèo ngay lên ngồi vào chiếc ghế quan sát cao ngất ngưởng trên tàu, hai mắt dán vào chiếc ống nhòm lớn đeo ở cổ.

Thế ra, trách nhiệm của thuyền trưởng không chỉ là đưa người đi câu ra khơi, tìm luồng cá, mà còn phải điều khiển cả đám thủy thủ lẫn người câu từng bước một để câu được số cá tối đa cho phép, không khác vị tướng cầm quân ra trận.

Sport Fishing 8

Một thủy thủ dùng sào móc cá bị cắn câu đưa lên tàu. (Hình: Hà Giang)

“Chumming!” Thuyền trưởng chợt la lớn.

Một thủy thủ nhảy phóc lên nóc bồn cá mồi, dùng vợt vớt cá lên, ném ra tứ phía. Những con chim lớn từ nãy giờ bay theo tàu, giờ đã sà xuống gần mặt nước. Cùng lúc đó, những tay đi câu chuyên nghiệp vội vàng móc mồi vào, chuẩn bị ném cần xuống nước.

Còn những người tay mơ thì vẫn đang ngơ ngác đứng nhìn cảnh tượng đột nhiên trở nên linh hoạt hẳn lên.

“Bà con sẵn sàng, chúng ta đã đến gần một đàn cá rất lớn. Nhớ là phải nhìn dây của mình, đừng để rối dây người khác, mất thì giờ gỡ rối là vuột mất đàn cá.” Lại có tiếng thuyền trưởng nhắn nhủ.

Nhưng tiếng ông chưa dứt thì đã có người la lớn: “Color, ở đây có color!”

Thoáng một cái đã thấy một thủy thủ ở gần đó cầm hào móc ngay được con cá to lên tàu.

Con cá ngừ (Yellow Fin Tuna) to khoảng 15 kg, giẫy giụa mạnh đập người lên sàn kêu bành bạch, máu ứa ra loang đỏ một khoảng tàu. Nhìn đồng hồ mới hơn 7 giờ sáng!

Cầm dao đâm vào đầu thêm vài cái nữa cho cá hết giẫy giụa, hỏi người câu cá: “Số ông là số mấy?” người thủy thủ kéo một miếng giấy nhựa có đúng số người câu bấm hai ba lần vào mang con cá, thẩy nó xuống hầm giữ cá, rồi đánh một gạch vào miếng bảng nhựa để đếm.

“Ở đây có Color!”

“Ở đây cũng có.”

“Ðây nữa, lẹ lên giùm, nặng quá!”

“Chờ chút đi, tôi chỉ có hai tay hai chân thôi!” Bị giục quá, một thủy thủ gắt lên.

“Ê, coi chừng rối dây này, mang cần qua bên kia!” Một người la lớn.

Ðến giờ thì quang cảnh hỗn độn không thể tả, người bận rộn móc mồi, quăng câu, người gồng hết sức mình để quay máy, cố kéo những con cá nặng có khi cả 2, 3 chục ký vào gần tàu, nhiều người bị rối dây vào với nhau, vừa cố gỡ vừa lầu bầu ca cẩm.

Hà Giang
(Còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *