Cái kiến đi kiện củ khoai hay lòng tham không đáy?

Chuyện ông tài xế taxi Mã Long bị ba người tù vượt ngục ở quận Cam bắt cóc, ép đi theo họ trong suốt ba ngày, suýt bị thủ tiêu, rồi nhờ phước đức ông bà mà thoát chết trong gang tấc, chưa làm nguôi mối thương cảm của dư luận, thì tin ông nộp đơn kiện chính quyền Quận Cam, đòi bồi thường $2 triệu đô la, lại làm dấy lên những bàn cãi mới, nhất là giữa những người quanh vùng Little Saigon.

Phải công nhận là ít có tin nào khiến người bàng quan phản ứng nhiều và nhanh như thế. Tin chưa kịp đi xa, thiên hạ đã ào ào nhẩy vô “còm kiếc” (viết comment) loạn lên. Mỗi người một kiểu nói, một cách diễn tả, nhưng nói chung có vẻ không mấy ai hưởng ứng việc ông tài xế taxi bỗng dưng danh nổi như cồn này quyết định đi kiện chính quyền, nơi để cho việc vượt ngục xẩy ra, một việc nếu không bị cho là vì “nẩy lòng tham,” vì bị luật sư “xúi dục, xúi dại” thì cũng bị đánh giá là nhảm, ruồi bu, “cái kiến đi kiện củ khoai,” rồi sẽ chẳng đi đến đâu, mà có khi còn rước họa vào thân.
Ma-Long-4Hãy thử đọc một vài lời còm:
Thôi, tôi “can” you đi ông Mã ơi. Tiền là tiền thuế cuả dân chứ không phải tiền chùa của Obama. Nếu nhân viên chính phủ Mỹ đối xử tệ với ông ông kiện để đòi công lý thì đúng, đằng này cái số ông xui “trao duyên lầm tướng cướp” rồi kiện chính phủ đòi bồi thường cho cái xui xẻo mình gặp thì phi lý quá! Người giữ tù có ai muốn để tù vượt ngục đâu, nhưng không có gì là hoàn hảo nên mới xảy ra cớ sự. Nhân viên nhà tù Orange County sẽ phải chịu trách nhiệm về sự sơ xuất của họ, còn ông có số may không bị bọn tù vượt ngục chúng “thịt” là mừng rồi…. còn kiện tụng làm gì cho cực thân.

Lời còm khác: “Mới hôm nào cộng đồng người Việt theo dõi tin ông bị bắt cóc, xong may mắn được thả, tha mạng sống sót, ông hoàn hồn tán thán phước lộc còn sót lại cũng nhờ cái tượng Phật ông để trong xe trước mặt ông đã “bảo trọng” mạng sống. Nay, sau khi thoát chết do còn chút phước lành, ông lại nghe lời xúi bẩy của những tên đạo diễn, chuyên kiếm tiền còm từ các nạn nhân như ông để vòi tiền đất nước đã cưu mang cho ông thoát khỏi bầy quỷ dữ công an Việt Cộng, để có được đời sống an ổn mà ông tin do ăn hiền ở lành nên chưa bị…bỏ mạng, hú hồn! Ông à, tục ngữ có câu: Ăn hiền ở lành thì mặc sức mà ăn. Hết phước thì cạn tiền, chả có luật sư nào đại diện tranh cãi cho ông, và bồ…nhí cũng bái bai forever.

Hay: “Ông Mã ơi, thoát chết là mừng rồi, đừng nghe theo lời xúi dục của những luật sư chỉ thích tìm cơ hội trục lợi. Cảnh sát đã cố hết sức bảo vệ chúng ta, chúng ta cần cảm ơn họ, chứ không phải đi kiện. Nếu cần tiền thì tiếp tục kiếm tiền một cách ngay thẳng như ông đã làm chứ không phải bằng cách này. Mấy ông luật sư chẳng thương gì ông đâu, họ chỉ nghĩ đến tiền tiền tiền thôi.

Và: “Cũng chỉ vì tiền mà các luật sư chuyên xúi bậy người ta kiện cáo. Các vị còn nhớ chính các luật sư người Mỹ bay qua Việt Nam để xúi chính phủ Việt Nam kiện chính phủ Mỹ về trường hợp chất độc da cam. Cuối cùng tòa bác đơn kiện. Luật sư họ chỉ biết có tiền mà thôi. Kiện được thì kiện, kiện không được cũng chẳng mất mát gì, nếu may ra thắng kiện thì cũng kiếm được bạc triệu cho nên giới luật sư hay tìm cách kiện chính phủ nếu có cơ hội. Trường hợp ông Mã Long cũng vậy, dựa vào các yếu tố vu vơ để khởi kiện chính phủ đòi tiền, nếu thắng thì kiếm được bạc triệu, còn không thắng chẳng mất mát gì, lại thể hiện được quyền kiện chính phủ vô tội vạ.

Một số người hăng hái hơn trong việc khuyên can, tỉ mỉ vạch ra những khó khăn mà ông có thể sẽ gặp phải: “Tội nghiệp cho ông tài xế taxi nghe lời xúi của luật sư đem vấn đề kiện tụng ra pháp luật để kiếm tiền…ông tài xế nầy quên rằng mình hành nghề “chui” không có giấy phép…không có bảo hiểm…như vậy đã là một vấn đề với pháp luật rồi…Cảnh sát làm ngơ cái việc đó…nhưng bây giờ dồn họ vào đường cùng thì họ sẽ phanh phui sự việc rõ ràng…họ kiện lại thì …cũng mệt lắm…Bó tay mấy ngài luật sư….bó tay…

“Hay: “Ông Mã Long này đúng là quá tham lam. Không biết kiện có thắng hay không chứ bị chính quyền chơi lại là mệt à. Thứ nhất, ông lãnh tiền SSI mà không khai báo việc ông đi lái taxi kiếm thêm tiền. Thứ hai, IRS có thể “hỏi thăm” về lợi tức hành nghề taxi chui. Rồi lúc đó tính sao?

Đọc lời bình của thiên hạ tôi chợt có ý nghĩ quan niệm “dĩ hòa vi quý,” và “vô phúc đáo tụng đình” của người Việt Nam từ ngàn xưa qua đến đất Mỹ bây giờ vẫn đúng. Người Việt mình có tính chín bỏ làm mười, thường cố gắng cùng nhau giải quyết mâu thuẫn tranh chấp. Và bên cảm thấy mình bị chèn ép cực chẳng đã mới phải lôi bên kia ra đến cửa quan, để đòi công lý. Đến lúc đó, cả hai bên, dù đúng dù sai, dù được pháp luật bảo vệ, vẫn chắc chắn bị những thủ tục tố tụng làm cho nản lòng, mệt mỏi, và nhất là rất tốn kém, vì công lý không hề rẻ, chỉ làm giàu cho giới luật sư. Giới luật sư…

Nhưng trường hợp của ông Mã Long thì sao ta?

Chắc chắn ông không phải tốn tiền, vì ông lấy tiền đâu mà trả? Có phải vì vậy nên người ta nghĩ rằng ông cứ ung dung để luật sư vẽ đường cho hươu chạy, thắng thì hai bên cùng kiếm mớ tiền, không thắng thì thôi, đâu có gì để mất mát mà không thử thời vận. Đúng thế không?

Thực tình tôi không dám phán xét quyết định đi kiện chính quyền của ông, vì bản thân mình không phải trải qua những giây phút thập tử nhất sinh, chỉ mành treo chuông, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, không biết những sợ hãi trong những ngày tính mạng bị đe dọa ấy, hiện giờ có còn khiến tâm trí ông chấn động đến nỗi không thể làm việc kiếm tiền nuôi thân được, như lời người luật sư đại diện cho ông tuyên bố hay không. Có thể lắm chứ!

Một mặt tôi mong ông tài xế Mã Long được nhiều may mắn, như lời còm của độc giả này: “Mong rằng…thật sự mong rằng…ông tài xế taxi nầy quyết định sáng suốt…chứ 2 triệu đồng(US dollar) …thì thật là …quá hấp dẫn…khó lòng …từ chối lắm …khó lắm…Tiền là tất cả…các nguyên do khác chỉ là …ngụy biện mà thôi….ngu gì mà không kiện nhỉ…

Mặt khác, lập luận của người luật sư đại diện cho ông, nghe cũng có vẻ thuyết phục: “chúng tôi nghĩ thiệt hại từ việc ông Long không còn khả năng làm việc sau sự việc này cùng với những cảm xúc về sự sợ hãi hằng ngày thì chúng tôi đòi sự bồi thường là $2 triệu,” và “Căn cứ từ bác sĩ tâm thần của ông Long, rồi tính theo thời gian làm việc, ông có làm việc được nữa không, những mất mát trong tương lai vì tâm thần bị ảnh hưởng đó mà ông có tạo ra được nguồn sống hay không… Tất cả là một bài toán phải tính, từ những công thức, mà thường là khi ra trước bồi thẩm đoàn thì chúng ta mới tính ra chính xác con số đó.”

Quan trọng hơn cả tiền, luật sư của ông có một mục đích cao đẹp đáng ngưỡng mộ, rằng: “Vấn đề chúng ta muốn lớn hơn, quan trọng hơn tiền bạc, đó là phải có sự thay đổi. Tiền chúng tôi có thể kiếm được ở mọi nơi, mọi vụ, nhưng trong trường hợp này, chúng tôi nhìn sâu hơn vào việc phải có sự thay đổi để những người như chú Long không còn bị đe dọa nguy hiểm nữa.” Wow!

Tại sao phải thay đổi? Thay đổi cái gì?

Ngài luật sư giải thích: “Ngày 22 Tháng Giêng, có ba người bị xử về tội liên quan đến giết người đã trốn khỏi nhà tù Santa Ana Men’s Jail thuộc Quận Cam, mà đây là nơi rất khó trốn thoát, trong bao nhiêu năm rồi mới có chuyện này xảy ra. Vì sao họ trốn được? Thứ nhất, nhà tù quá cũ. Thứ nhì, nhà tù này tạo ra không đủ tiêu chuẩn để giữ những loại tù thuộc loại như thế này. Thêm nữa là nhà tù quá chật, quá đông người. Cộng thêm nữa là đội ngũ nhân viên của cảnh sát không có đủ để điều khiển nhà tù này.”

Và, đây mới là điểm then chốt: “Hiện nay, Orange County Sheriff’s Union cũng đang làm đơn kiện Quận Cam về tất cả những vấn đề tôi đang nói”. Ngài luật sư nói thêm. Ồ, thì ra thế. Cảnh sát Quận Cam kiện chính quyền được thì mình cũng kiện được chứ hả? Phe chính nghĩa cũng cần vây cánh. Có thêm vây cánh thì cơ hội thắng cao thêm. Chắc là như thế!

Nhưng đã nghĩ thế rồi, không hiểu sao trước tin ông Mã Long đi kiện chính quyền, tôi vẫn thấy mình có một cảm giác hụt hẫng, một mất mát khó tả, ngồi thừ bên máy tính biết bao lâu, tôi cũng chưa lý giải được tâm trạng băn khoăn này của mình.

Theo báo Người Việt, “ông Mã Long năm nay 75 tuổi, “shared phòng” và sống một mình ở Garden Grove. Ông sang Mỹ theo diện HO được hơn 20 năm, cùng vợ và bốn người con, hai trai, hai gái. Ông nói ông từng rất khá giả nhưng khi ly dị vợ thì bước ra với ít bộ quần áo, và một chiếc xe cũ. Ông từng “cầm bảng đứng ăn xin nơi góc đường Brookhurst và đường Bolsa” và mới chạy taxi kiếm sống trong thời gian gần đây”. Ông cũng ít liên lạc với các con. Hôm Thứ Sáu, 22 Tháng Giêng, lúc 9 giờ 30 tối, lúc đang ngủ thì ông nhận được điện thoại gọi đến quán Ngon ở góc đường McFadden và Ward, Garden Grove để chở người. Ai ngờ đâu ba người hành khách ông đón chính là ba người tù vượt ngục, hai Việt một ngoại quốc. Chất họ lên xe rồi ông bị họ bắt cóc đi theo luôn 3 ngày, trong thời gian họ xoay sở tìm đường trốn thoát. Đã có lúc ông tưởng mình đã chết, vì bị người tù ngoại quốc, hình như là kẻ thủ lãnh, muốn thủ tiêu để bảo toàn bí mật, nhưng nhờ người tù trẻ tuổi người Việt tên Bắc Dương tìm cách cứu thoát.

Như nhiều người khác ở quận Cam, tôi theo dõi chuyện của tài xế Mã Long từ những ngày đầu khi ông vừa thoát hiểm, run rẩy đến tòa soạn nhật báo Người Việt đòi lấy quảng cáo rao vặt xuống, để những kẻ vượt ngục kia khỏi biết tên ông mà truy tìm, nằng nặc từ chối nói chuyện với phóng viên, cho đến lúc ông bình tĩnh, hết sợ, lại đến tòa soạn đăng quảng cáo tiếp rồi gọi cho ký giả nói: ‘Tụi nó bị bắt hết rồi, giờ tui không sợ nữa. Báo chí muốn phỏng vấn gì giờ tui nói hết,” để được phỏng vấn, nói hết, cho hết mọi chuyện lên báo. Theo dõi cả lúc ông được mọi cơ quan truyền thông phỏng vấn, lên báo lên đài liên tục, được những đài truyền hình của Mỹ săn đón, hỏi chuyện, pose cho họ tha hồ chụp hình, quay phim. Chuyện bị bắt cóc rồi thoát chết của ông với những tình tiết tỉ mỉ, qua giọng kể tài tình của các phóng viên cả Việt lẫn Mỹ nghe còn gay cấn, ly kỳ, hồi hộp, hơn một phim action thứ thiệt. Ký ức sợ hãi của những ngày đi theo bọn tù vượt ngục, ăn không dám nhai, ngủ không dám nhắm mắt, lo cho tính mạng, dần dà, qua những lần phỏng vấn dường như đã biến mất không còn dấu vết. Thoát chết lại bỗng chốc được nổi danh,  ông tiếp tục gặp báo chí trong những lần gặp gỡ khác, trông tỉnh táo hơn, tỉnh táo lái xe taxi đi đón khách, tỉnh táo báo cho nhà báo biết lúc ông lái xe đi vào nhà tù thăm Bắc Dương, người tù vượt ngục đã giúp ông toàn mạng. Theo dõi luôn đến khi cô Jenni Harvey, một người Mỹ tốt bụng trong vùng biết chuyện của ông, vì cảm thương hoàn cảnh khó khăn của một người tài xế taxi già, đã mở tài khoản GoFundMe xin tiền quần chúng giúp ông.

Nhắc đến Jenni Harvey, tôi không sao quên được dáng vẻ bình dị và vẻ măt nhân hậu của cô khi cô gặp tôi nhờ tìm cách chuyển cho ôngtiền số tiền khoảng $6,000 mà cô nhận được từ những người tốt bụng, chuyển sao “cho thật an toàn, thật từ từ, khỏi bị thất thoát,” khỏi bị giới hạn quá số tiền có, “để ông khỏi mất tiền SSI,” cô dặn đi dặn lại. Trong một lần chuyện trò, Jennie tâm sự rằng cô thấy thương ông Long, vì đọc bài báo trên LA Times thấy nói ổng là người “sống đơn giản, không cần những điều xa xỉ, mà chỉ muốn có cuộc sống an bình.

Ký ức của con người có cách làm việc kỳ diệu của nó. Khi nhớ đến những chi tiết về Jenni Harvey, tôi đột nhiên hiểu ra được nguyên nhân mối băn khoăn và cảm nhận mất mát của mình. Tôi băn khoăn bất an, vì tôi không biết cô Jenni nghĩ gì khi biết tin người đàn ông sống đơn giản, không cần những điều xa xỉ, chỉ muốn có cuộc sống an bình của cô đang bước đi trên một hướng đi mới, một con đường mới, với sự quyến rũ của số tiền $2 triệu mỹ kim lấp lánh cuối đường.

Nhưng dù sao cũng xin chúc ông Mã Long những điều may mắn nhất, và mong rằng trong quyết định đi kiện chính quyền, ông đang theo đuổi một điều gì quan trọng hơn tiền bạc, đúng như lời tuyên bố của người luật sư.

Hà Giang
Mar 6th, 2016

 


 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *