“Thấy má cầm tờ báo đọc hoài đọc hoài, tôi xem, rồi nói cho má biết tàu USS Kirk là cái tàu cứu mình đó má!”
“Từ lúc đọc bài báo tim tôi đập mạnh, hồi hộp dễ sợ. Chỉ mong gặp lại được những người trên tầu để cám ơn họ. Không ngờ giờ đây sắp có cơ hội…”
Mắt sáng ngời, miệng ríu rít, cô Popo Mattice chia sẻ với phóng viên nhật báo Người Việt nỗi niềm mà chị và gia đình hằng ôm ấp bấy lâu, là tìm được thân nhân để nói lời cảm tạ, nhưng chẳng “biết đâu mà tìm.”
Ðọc báo, thấy chuyện của mình
Cũng ba mươi sáu năm rồi, mà cuốn phim tài liệu về việc tàu USS Kirk di tản đoàn tàu HQVN mới gần đây được Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện. Có người cho rằng sở dĩ như thế là vì trong một thời gian dài, không ai muốn nhắc đến những gì liên quan đến cuộc chiến VN. Người khác lại cho rằng cuốn phim này được làm từ góc cạnh quảng cáo cho Hải Quân Hoa Kỳ, nhưng không nói lên được những cảm xúc của người tị nạn VN trên hành trình từ Côn Sơn đến Subic Bay đó.
Câu chuyện tàu Cá Vàng do cô Popo kể lại, tuy là chuyện riêng, nhưng biểu hiện cho lòng biết ơn tiêu biểu của hơn 30 ngàn người Việt tị nạn được tầu USS Kirk giải cứu lúc đó, cho dù cô Popo sau này có gặp lại được ân nhân của gia đình từ USS Kirk là ông Bill Gornto hay không.
“Ðọc được bài viết là có buổi chiếu phim mà một số người của USS Kirk cũng đến tham dự, má tôi cũng mừng lắm.” Cô Popo nói.
“Khi biết được tăm hơi chiếc tàu, cảm giác bác lúc đó ra sao?”
Nghe hỏi, cụ Quách Tú Quỳnh, thân mẫu cô Popo, ở tuổi thất thập cổ lai hi, chớp nhẹ đôi mắt nãy giờ vẫn đăm đăm nhìn tờ báo có bài viết “Chuyện lá cờ VNCH trên tàu USS Kirk” đang cầm trên tay.
Cụ nhìn lên rồi lại nhìn xuống, lắc đầu, ngập ngừng khẽ nói:
“Bác… khóc!”
Cô Popo nhìn mẹ ái ngại, rồi ngồi xích lại gần bà, cô lôi trong ví ra một một xấp ảnh đã ố vàng.
Chỉ vào tấm hình chụp người đàn ông tuổi khoảng hơn ba mươi, ngồi trong một chiếc trực thăng nhìn xuống mặt biển mênh mông, chị bảo đó là ông “Bill Gornto” thuộc thủy thủ đoàn trên USS Kirk, người đã đến cứu gia đình chị.
Bức hình được chụp ở bờ biển Côn Sơn, phía Nam Việt Nam, vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, cách đây đúng 36 năm.
Cầm tấm hình lên, cụ Quách lẩm bẩm:
“Ông ấy bây giờ có lẽ hơn sáu mươi rồi còn gì, hy vọng ông còn sống.”
Lần giở từng tấm ảnh cũ, chị bắt đầu kể chuyện.
Cụ Quách ngồi yên bên cạnh nghe con, mơ màng như đắm chìm vào một khung trời nào xa xăm và xưa cũ lắm.
“Tối ngày 29, gia đình chúng tôi ở trên hai chiếc tàu ‘cá vàng,’ đợi ở hải phận Vũng Tầu, vì có hẹn với ông tỉnh trưởng Vũng Tàu để ra khơi.”
“Tàu cá vàng là tàu gì?”
“Là những chiếc tàu này.” Chỉ vào hai tấm hình đã mờ nhạt không nhận được ra mầu, cô Popo giải thích.
“Tại sao lại gọi là tàu cá vàng?”
Cô Popo cười:
“Thì cá vàng là ‘yellow fishingboat’, là hai chiếc tàu màu vàng của người Hồng Kông, mà họ gọi là yellow fishingboat.”
Cô giải thích tại sao tàu Hong Kong lại có mặt tại Việt Nam:
“Trước đó khoảng 6 tháng, có hai chiếc tàu đánh cá Hồng Kông đi lạc vào hải phận Việt Nam ở Ðà Nẵng rồi bị bắt giữ. Tàu của họ sau đó cũng bị hỏng, ba tôi giúp cho họ được thả, và giúp cho họ sửa chữa tàu, rồi biến cố 30 tháng 4 đến, họ cũng theo mình di tản luôn.”
Gia đình cô lúc đó ở Ðà Nẵng. “Vào khoảng nửa đêm thì chúng tôi nhận được điện, mà theo tôi hiểu – lúc đó tôi mới 18 tuổi – là tất cả những người lính VNCH ở Vũng Tầu họ đang bơi ra và lên tàu của chúng tôi.”
“Sau khi đón tỉnh trưởng tỉnh Vũng Tầu, và những người đánh cá và quân nhân, sĩ quan ở Vũng Tàu rồi thì chúng tôi tiếp tục đi ra biển.”
Ra khơi, theo tàu USS Kirk
Trên tàu lúc đó có khoảng hai ba trăm người. Tàu ra đến khơi rồi, tự nhiên lại thấy những tàu Hải Quân Việt Nam khác. “Thì mình cũng đi theo họ, rồi chẳng biết làm sao tự nhiên lại thấy hai người Mỹ họ đến bảo là họ muốn lên tàu.”
Hai người Mỹ leo lên chiếc tàu của cô Popo. Họ tự giới thiệu họ từ Ðệ Thất Hạm Ðội đến, và hỏi là cần giúp đỡ điều gì. Thế là cô Popo, một học sinh trung học, với vốn liếng tiếng Anh ở trường 2 tiếng một tuần, bỗng trở thành một “thông dịch viên bất đắc dĩ.”
Danh sách của đoàn tàu đã được USS Kirk giải cứu được sử gia của chiến hạm này ghi lại, có chú thích rằng có hai tàu đánh cá, đánh số là “tàu đánh cá số 1” (Fishing Trawler #1) và “tàu đánh cá số 2” (Fishing Trawler #2) đi theo đoàn tàu. Trên chiếc “tàu đánh cá số 1,” hai quân nhân được trao trách nhiệm lên tàu là J.D. Gornto và R. Bankston.
“Tôi nhớ mình đã nói với họ là chúng tôi cần nước, cần xăng, cần thức ăn, nhất là một chút rau tươi.” Cô Popo kể.
Sau khi xem xét mọi việc trên tàu, hai người Mỹ, trong đó có ông “Bill Gornto” bảo là “mọi việc đều tốt” rồi bỏ đi. Sáng hôm sau một người bác sĩ đi theo Bill Gornto lên tầu để khám bệnh cho mọi người, với sự thông dịch vừa bằng lời vừa bằng tay của cô thông dịch viên 18 tuổi.
Bận rộn, nhưng cô Popo vẫn nhớ cảnh USS Kirk hướng dẫn hai chiếc tầu cá vàng cặp sát vào hông để họ tiếp tế dầu. Chị tả:
“Họ bỏ cái tube dài thoòng xuống để bơm dầu. Nhìn gần thấy tàu USS Kirk vĩ đại quá, ngút mắt.”
“Hai bên vẫy nhau, mình vẫy lên, họ vẫy xuống, người có phận sự chuyển xuống tàu thức ăn, thuốc men, chăn mền, đủ thứ, sau hai ba tiếng đồng hồ mới xong tiếp tế.”
“Lúc đó mọi người trên tàu hoang mang lắm, nhưng cứ ngước lên nhìn thấy chiếc USS Kirk vững vàng bên cạnh thì lại yên tâm.”
Ngừng một chút, cô Popo nói, “Rồi một việc quan trọng xẩy ra.”
Chuyện quan trọng này là, “Bill Gornto bảo ba tôi là tất cả vũ khí trên tàu phải quăng đi, vì lúc đó có một số binh sĩ lên tầu, mặc dù lúc đó họ chỉ mặc quần xà lỏn áo thun để mình biết là họ không giấu gì trong người.”
“Tôi chưa bao giờ thấy một hình ảnh như vậy, những người sĩ quan và lính, họ đứng lên, quăng hết vũ khí xuống biển.”
“Họ vừa làm vừa khóc, vừa quăng vừa khóc, vừa lấy vũ khí ra khỏi chỗ giấu vừa khóc, một quang cảnh rất khó tả, tôi đứng đó nhìn, xúc động và cảm nhận được đây là một sự kiện rất đặc biệt.”
“Vũ khí ném xuống biển gần hết, ông Bill Gornto lại bảo ba tôi phải giữ hai khẩu súng lớn. Thế là hai khẩu AK40 được để dưới chỗ tôi nằm.”
“Ông Bill Gornto nói là mình phải đi chung với đoàn tàu thành một đường thẳng hướng về Subic Bay.”
“Trên tàu có một chiếc radio do một chuyên viên truyền tin chịu trách nhiệm. Ông Bill Gornto bảo khi cần thì gọi cho USS Kirk.”
“Ông cũng cho tôi một chữ code để khi gọi có thể nhận được nhau.”
Tới ngày hôm nay, cô Popo vẫn còn nhớ mật mã này:
“Mật mã là stroganowski” – một chữ không dễ chút nào.
“Ông Bill Gornto bắt tôi phải phát âm cho đúng và giải thích là chữ này khó phát âm, nên người ta không dễ bắt chước.”
“Thế là chúng tôi đi! Sáng ngủ dậy thì thấy trước mặt mình là một hòn đảo lớn. Cũng chẳng biết có phải là đã tới Subic Bay hay chưa!”
“Nhìn về phía chiếc USS Kirk thì chỉ thấy các trực thăng bị đẩy xuống nước, bị đẩy xuống nước.”
Kể đến đây, giọng cô Popo bỗng ngậm ngùi.
Một tờ đơn để vào Mỹ và lời trăn trối của cha
“Tối hôm trước khi đoàn tàu kéo nhau vào Subic Bay, ông Bill Gornto lên tàu, hỏi còn cần gì nữa không. Tôi nói, chúng tôi cần một sponsor letter. Thế là chia tay, thế là không bao giờ gặp nhau nữa.”
Rồi chị kéo ở đâu ra một tập hồ sơ, lật từng tờ rồi giải thích:
“Năm tháng sau, gia đình chúng tôi nhận được một xấp điện tín từ Washington DC. Không hiểu ông Bill Gornto về USS Kirk đã nói gì, mà chị nhìn đây nè, cả thủy thủ đoàn đã ký đơn nhận bảo lãnh gia đình chúng tôi.”
“Lúc đó thì gia đình chúng tôi đã được người anh lớn làm giấy tờ bảo lãnh. Mà cũng không hiểu biết đủ để mà tìm cách liên lạc lại với họ.”
“Sau này, khi cuộc sống tạm ổn định, ngồi nghĩ lại thì mới thấy what it means những điều họ đã làm cho mình đó chị.”
“Ba tôi mất đi mấy năm sau đó. Trước khi chết, ông cứ dặn gia đình là phải tìm cho ra những người ở tàu Kirk để cám ơn. Vì nếu không có họ lúc đó, không biết chúng tôi có an toàn rời khỏi Việt Nam không.”
“Chúng tôi không biết làm sao tìm được, chỉ biết giữ lại những điện tín này làm kỷ niệm. Không ngờ 36 năm sau, lại có cơ hội này.”
“Chúng tôi chỉ muốn cảm ơn lòng tốt của họ, mà 36 năm nay vẫn chưa làm được.”
Cô Popo hỏi đi hỏi lại câu hỏi mà cụ Quách vẫn còn muốn biết, “Chị nghĩ có hy vọng tìm được tin tức về ông Bill Gornto không? Lạy trời cho ông ấy còn sống!”
Hà Giang
Nguoi-viet.com
April 29th, 2011
Nhân dịp xem phim “Last Days in Vietnam” nhớ những bài viết này…