Tổng thống Obama ngậm ngùi nhìn lại di sản tám năm


Tổng Thống Obama vừa chấm dứt hai nhiệm kỳ phục vụ người dân và đất nước Hoa Kỳ. Tám năm là một thời gian dài. Nước Mỹ dưới thời Obama tốt lên hay xấu đi? Di sản vị tổng thống da đen đầu tiên này để lại cho Hoa Kỳ là gì?

Trả lời hai câu hỏi này, giới ghét bỏ ông và giới yêu mến ông, sẽ đưa ra những hình ảnh và nhận định hết sức tương phản, cũng như đầy chủ quan và cảm tính. Người ta bảo rằng những sự kiện lịch sử, phải mất từ 80 đến 100 năm sau mới có được những đánh giá khách quan. Lý do? Đến lúc đó, người viết sử, vì là hậu thế, không bị hưởng bởi sự yêu ghét, vốn thường hay bị cực đoan của con người, nên sẽ có được cái nhìn sáng suốt, không thiên vị.

Tổng Thống Obama sau này sẽ được lịch sử đánh giá như thế nào là điều chúng ta phải chờ mới biết. Nhưng theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do Quinnipiac University Poll thực hiện, được công bố hôm 10 tháng Giêng 2017, thì ít nhất vào lúc này, nhiều cử tri đánh giá Tổng Thống vừa rời nhiệm sở Barack Obama cao hơn Tổng Thống vừa nhậm chức Donald Trump.

Theo Quinnipiac University Poll, 45% cử tri trong cuộc thăm dò ý kiến cho rằng Trump “sẽ là một tổng thống tồi hơn Barack Obama,” so với 34% cử tri dự đoán Trump lãnh đạo đất nước tốt hơn Obama, và 15% cử tri nói Trump và Obama sẽ sàng sàng bằng nhau. Vẫn theo kết quả cuộc thăm dò này, Trump bước vào Tòa Bạch Ốc với 37% dân số ủng hộ, so với 55% dân số ủng hộ Obama trong ngày ông giã từ cương vị tổng thống nước Mỹ.

Đó là sự ủng hộ của dân chúng. Nhưng sau tám năm tại chức, Tổng Thống Obama nghĩ gì về di sản của chính mình?

Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Jann S. Wenner của tạp chí The Rolling Stone, được thực hiện ngày 9 tháng Mười Một, 2016, một ngày sau kết quả bầu cử, Tổng Thống Obama hé lộ tâm tư của ông về di sản ông để lại, và con đường trước mặt cho nước Mỹ.

Ký giả Jann S. Wenner, người đã nhiều lần phỏng vấn Tổng Thống Obama, mở đầu tường thuật cuộc nói chuyện với Tổng Thống Obama bằng một giới thiệu khá dài, với những lời lẽ thoáng chút ngậm ngùi. Ông viết:

“Cuộc phỏng vấn cuối cùng của tôi với Tổng Thống Obama tại Tòa Bạch Ốc đã được sắp xếp trước vào ngay hôm ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Tôi mong cùng tổng thống nhìn lại thành quả ông đã đạt được trong thời gian tám năm lãnh đạo đất nước, thảo luận những vấn đề mà ông cho là quan trọng nhất, cũng như nghe lời khuyên của ông cho Hillary [mà như nhiều người, ký giả Jann S. Wenner dự đoán là sẽ đắc cử – SGN]. Đây là cuộc phỏng vấn trước khi ông từ giã nhiệm sở, và là cuộc phỏng vấn thứ tư của tôi với tổng thống.

Trước khi bay xuống Washington, DC, vào buổi sáng sau cái kết quả bầu cử đáng kinh ngạc ấy, tôi gọi điện đề nghị hoãn cuộc phỏng vấn, thầm nghĩ cái buổi sáng hôm sau ấy, chắc hẳn phải là một trong những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời chính trị của Tổng Thống Obama, và có lẽ mới qua một đêm, ông chưa kịp có thời gian để suy nghĩ về, để giận dữ với hoặc để chấp nhận cái kết quả ấy.

Nhưng văn phòng của Tổng Thống Obama gọi cho tôi và bảo ông vẫn muốn tiến hành cuộc phỏng vấn như dự định. Trời hôm ấy âm u nhiều mây, Tòa Bạch Ốc dường như trống rỗng khi tôi đến. Mọi người đã trải qua một đêm dài với cái kết quả không ai muốn, và giờ đây, lèo tèo chỉ vài nhân viên có mặt, không khí Tòa Bạch Ốc ảm đạm như đang có một đám tang…

Lần cuối tôi phỏng vấn Tổng Thống Obama, vào năm 2012, là một buổi chiều thư thả. Tôi đi quá thời gian mình được cho hơn nửa giờ, và khi rời khỏi phòng bầu dục, tôi suýt đâm sầm vào Ngoại Trưởng Hillary Clinton, đang đứng bên bàn làm việc của phụ tá của tổng thống, chờ lượt vào gặp ông. Lần này thì chỉ có “hồn ma” của Hillary hiện diện…

Than ôi!

Tổng thống Obama đón tôi ngoài cửa và đưa tôi vào phòng làm việc. Trông mệt mỏi, ông không vui vẻ thăm hỏi tôi như những lần trước, mà cởi áo khoác, ngồi vào ghế của mình, nói một cách chậm rãi và rõ ràng từng chữ: “chúng ta hãy bắt đầu,” phong cách đúng với bản chất của ông: tự chủ, phân tích, và bình thản. Có rất nhiều điều một tổng thống đương nhiệm không thể nói ra, nhưng những điều ông tỏ lộ trong cuộc phỏng vấn ấy là những lý giải rất cân nhắc của ông, trong một ngày khó khăn của lịch sử.”

Xin gửi đến độc giả những câu hỏi đáp chính trong cuộc phỏng vấn khá dài này, do Hà Giang lược dịch:

Wenner: Tôi phải bắt đầu với đêm hôm qua và hỏi tổng thống ông nghĩ gì về việc Donald Trump đắc cử? Ông có kinh ngạc như hầu hết tất cả mọi người không? Và cảm nghĩ của ông lúc này ?

Obama: Vâng, tôi thất vọng, một phần vì tôi nghĩ rằng Hillary Clinton sẽ là một tổng thống rất tốt. Như tôi đã nói trong suốt thời gian vận động tranh cử [cho Hillary], chúng tôi [chính quyền Obama] mới chỉ hoàn tất một số công việc đề ra, và chúng ta cần phải có một sự chính quyền tiếp nối để tối đa hóa lợi ích của những chính sách đã thực hiện.

Wenner: Ông có bao giờ nghĩ rằng điều này có thể xảy ra, là Donald Trump sẽ thắng?

Obama: Tôi nói cho bạn nghe điều này. Tại New Hampshire, năm 2008, tôi vừa dành chiến thắng ở Iowa và trước đó, các cuộc vận động liên tục tại New Hampshire đã tụ họp được những đám đông khổng lồ, và thăm dò dư luận nội bộ cho thấy chúng tôi vượt xa đối thủ hơn 10 điểm. Khoảng 7:30 tối, tôi mặc quần áo, đang chuẩn bị ôn lại bài phát biểu đắc cử, thì đột nhiên có tiếng gõ cửa, rồi bộ ba David Plouffe, David Axelrod và Robert Gibbs [đội ngũ thân tín của Obama] kéo vào. Họ nhìn tôi rồi nói, với nét bẽn lẽn trên khuôn mặt: “Barack, chúng tôi không nghĩ rằng ông sẽ dành chiến thắng đêm nay.”

Đó là tính chất của dân chủ. Đó là tính chất của việc bầu cử. Điều đó không có nghĩa là những cuộc thăm dò không có giá trị, nhưng những sự việc này luôn luôn chứa một ẩn số nào đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tỷ lệ đắc cử của Donald Trump khoảng 20 phần trăm. 20% nghe thì không nhiều, nhưng một phần năm mà thắng không phải là điều quá bất thường, không phải là một phép lạ.

Wenner: Nhưng ông không thấy thất vọng đau đớn, tức giận, buồn bã, và bi quan sao?

Obama: Không, tôi không thấy thế. Bạn biết đấy, tôi không cảm thấy buồn nản bởi vì, thứ nhất, tôi không thể tự hào hơn về những thành quả mà chúng tôi [chính quyền Obama] đã đạt được trong vòng tám năm qua. Khi tôi trao quyền điều khiển chính phủ liên bang cho tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, tôi có thể nói một cách mạnh dạn rằng đất nước chúng ta giờ đây tốt hơn trước kia rất nhiều: Kinh tế mạnh hơn, chính phủ liên bang hoạt động tốt hơn, vị trí của chúng ta trong thế giới cao hơn. Và vì vậy tôi có thể tự hào về những việc chúng tôi đã làm. Khi nghĩ về đời sống những người dân mà chúng tôi đã giúp được, chúng tôi có thể nở nụ cười hài lòng hết sức tuyệt vời.

Nhưng cũng không thể tránh né sự thật là có một số hậu quả của cuộc bầu cử này làm tôi không vui. Chẳng hạn thẩm phán kế tiếp của Tối Cao Pháp Viện sẽ là một người không phản ánh sự hiểu biết của tôi về Hiến Pháp. Chẳng hạn những thành quả mà chúng tôi đạt được trong và ngoài nước về biến đổi khí hậu sẽ bị đe dọa. Chẳng hạn kết quả bầu cử này có nghĩa là đạo luật Affordable Care Act, [còn gọi là Obamacare] đạo luật đã cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho hơn 20 triệu người sẽ được sửa đổi theo những phương cách mà một số người sẽ bị tổn thương. Tôi không nghĩ rằng toàn bộ đạo luật Affordable Care Act sẽ bị xóa bỏ, bởi vì, dù nói gì thì nói, những người đảng Cộng Hòa sẽ đi đến kết luận rằng ném hàng triệu người dân vào tình cảnh không có bảo hiểm sức khỏe không phải là một quyết định chính trị khôn ngoan. Nhưng có lẽ lý do chính khiến cho tôi không thấy bi quan, dù thất vọng, là những người rất trẻ tuổi đã làm việc trong chính quyền của tôi, vận động cho những chiến dịch của chúng tôi. Nếu bạn nhìn vào tài liệu từ cuộc bầu cử, bạn sẽ thấy là nếu cử tri bỏ phiếu chỉ toàn là những người trẻ, bà Hillary có lẽ đã đoạt được 500 phiếu đại cử tri. Vì vậy, tôi nghĩ, chúng tôi đã giúp một tay trong việc hình thành một thế hệ trẻ biết đánh giá cao sự hòa nhập, sự công bằng và biết quan tâm đến môi trường. Và với thời gian, những người trẻ này sẽ ngày càng tạo ra được tầm ảnh hưởng. Điều đó có nghĩa là nước Mỹ sẽ tiếp tục trở nên tốt hơn.

Wenner: Ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn là một đất nước tiến bộ?

Obama: Điều này chưa thể xác định, nhưng số lượng người có một niềm tin mạnh mẽ vào một nước Mỹ công bình và bình đẳng, một nước Mỹ bao gồm mọi thành phần, là một con số rất lớn, và hiện con số này đang bành trướng.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của chúng ta [đảng Dân Chủ], và điều này là điều mà tôi đã suy nghĩ rất nhiều, là có một nhóm cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động khá lớn đã bỏ phiếu cho tôi trước đây, nhưng sau đó đảng Dân Chủ đã không thành công trong việc đoạt được lá phiếu của trong những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Trong cuộc bầu cử này, nhiều người trong số đó đã dồn phiếu cho Trump. Tôi nghĩ rằng một trong những lý do là vì sự thất bại của chúng tôi trong việc gửi thông điệp đến họ. Một phần khác là vì chương trình của Fox News được chiếu nhan nhản trên mọi nhà hàng và quán rượu trên khắp các nẻo đường đất nước, nhưng một phần cũng vì đảng Dân Chủ đã không vận động tại các hạ tầng cơ sở, không có mặt ở khắp mọi nơi để đưa ra thông điệp và lý luận của mình. Lời phê bình này về đảng Dân Chủ rất chính xác. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian tập trung vào chính sách quốc tế, chính xách quốc gia, và quá ít thời gian với quần chúng. Khi chúng ta dành nhiều thời gian với quần chúng, thì chúng ta sẽ thắng. Đó là lý do tại sao tôi đã thắng ở Iowa.

Wenner: Nhưng làm sao mà đảng Dân Chủ đã không để ý đến một khối lượng người lao động da trắng lớn lao như vậy? Họ rõ ràng là giới có vấn đề lớn về kinh tế. Họ đã bị mất việc làm tại các tiểu bang công nghiệp…?

Obama: Vấn đề không đơn giản như vậy, bởi vì đây không chỉ đơn giản là một vấn đề kinh tế. Đây là một vấn đề văn hóa. Và là một vấn đề vận động và tuyên truyền. Đúng là đã có rất nhiều công ăn việc làm bị mất đi hay bị biến đổi do sự tự động hóa của kỹ thuật ngày này. Nhưng trong nhiệm kỳ của tôi, chúng tôi đã thêm tạo thêm công ăn việc làm ở mức lịch sử, và hãy thử nghĩ: Tại Michigan –

Wenner: Ý tôi muốn hỏi là…

Obama: Khoan, để tôi nói hết ý đã. Nếu bạn nhìn vào tiểu bang Michigan, nơi tôi thắng lớn, không chỉ trong năm 2008 mà cả năm 2012, chúng tôi rất chú ý đến việc làm trong ngành sản xuất, đó là lý do tại sao ngành công nghiệp xe hơi hiện đang có hai ca làm tại những hãng sản xuất trước đây phải đóng cửa. Nếu bạn nhìn vào mức lương tối thiểu lương, hoặc chính sách cho những ngày nghỉ của gia đình, hoặc các khoản tiền đầu tư mà chúng tôi dồn vào các trường đại học cộng đồng, hay Đạo Luật Affordable Care Act, đây là những khoản đầu tư lớn cho tất cả những gia đình lao động, gồm da trắng, da đen và cả những gia đình gốc Tây Ban Nha. Thách thức mà chúng ta phải đối diện không phải là chúng ta đã bỏ rơi các cộng đồng này từ góc độ chính sách. Kết luận như vậy, theo tôi, là một nhận định không chính xác. Người ta chỉ nghe lập đi lập lại rằng “Ồ, bạn biết không, những gia đình ở tầng lớp lao động đã bị lãng quên”, hoặc “gia đình tầng lớp công nhân da trắng đã không được đảng Dân Chủ quan tâm đến.” Trên thực tế, họ rất được quan tâm. Điều đúng là, những chính sách mà chúng tôi đã quy định đã đề ra để giúp họ đã không được cổ động, không được nói đến bởi những người dân trong cộng đồng này. Và những gì họ nghe thấy chỉ là Obama hay Hillary đang cố gắng cướp đi khẩu súng của họ hoặc họ không tôn trọng họ.

Một trong những thách thức nữa mà chúng ta đang phải đối diện bây giờ là các phương tiện truyền thông xã hội và mạng lưới Internet đã thay đổi những gì người dân nhận là tin tức. Tôi vừa nói chuyện với giám đốc chính trị của tôi, ông David Simas. David Simas nhìn vào trang Facebook của mình và một số người được liên kết từ những người bạn thời trung học của mình, thì thấy một số người trong họ hiện đang chuyển đi cho nhau những loại tin giả hết sức điên rồ, chẳng hạn như Tổng Thống Obama vừa ra lệnh cấm Pledge of Allegiance (lời nguyện trung thành với tổ quốc).

Tôi nghĩ rằng điều hết sức quan trọng đối với chúng ta, một đất nước cấp tiến – hãy tạm bỏ Đảng Dân Chủ qua một bên – không chỉ đối với thành viên đảng Dân Chủ, mà đối với bất cứ ai muốn nhìn thấy một nước Mỹ tiến bộ hơn – là phải suy nghĩ, phải tìm ra cách làm sao để tiếp xúc với quần chúng, phải có mặt ở khắp nơi, cho họ thấy một cách cụ thể là chúng ta đang làm gì để giúp họ cải thiện đời sống, thay vì chờ vào những kỹ thuật đưa tin tân tiến, hay nhờ vào những gì ban biên tập của tờ New York Times viết ra cho quần chúng đọc. Nếu chúng ta không tiếp xúc với mọi tầng lớp dân chúng, và mọi người không nghe và không nhìn thấy chúng tôi đã làm gì cho họ thì chúng ta tiếp tục thua, mặc dù tôi thực sự tin rằng chính sách của đảng Cộng Hòa sẽ không thực sự mang lại lợi ích cho thành phần lao động da trắng như họ mong đợi.

Wenner: Tôi muốn hỏi tổng thống về biến đổi khí hậu. Trump nói ông ta sẽ rút khỏi Hiệp Định Paris. Điều đó có thể xảy ra không?

Obama: Vâng, theo lịch sử thì thường là khi bạn có một thỏa thuận quốc tế, thỏa thuận ấy sẽ được chuyển qua cho chính quyền kế tiếp. Có những thỏa thuận mà Tổng thống Bush ký mà tôi kính trọng, bởi vì tạo cho thế giới một cảm giác là có sự liên tục trong chính phủ Hoa Kỳ, với tôi, trong cương vị một tổng thống của nước này, là một hết sức quan trọng. Chắc chắn là Đảng Cộng Hòa đã có một vị trí rất cứng rắn đối với biến đổi khí hậu. Và vì thế, với một số tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được trong tám năm qua, họ sẽ rất muốn đi ngược lại.

Nói về mặt tích cực của vấn đề, thì rất nhiều dự án mà chúng tôi thực hiện đã có hiệu quả, không chỉ có hiệu quả trong việc giảm lượng khí thải, mà còn có hiệu quả về mặt kinh tế. Vì vậy trong quá trình tám năm của tôi, khi chúng tôi tăng gấp đôi sản xuất năng lượng sạch hoặc chúng ta giảm [khí thải của xe hơi] xuống còn một nửa, đó không phải chỉ là những chính sách mà người ta đột nhiên có thể xóa bỏ. Trái lại, nó là vấn đề mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các cả người tiêu dùng phải biết họp nhau lại, tổ chức lại để tìm hiểu, và nhận ra rằng, một giải pháp thông minh về năng lượng là điều vừa tốt cho hành tinh vừa tốt cho hầu bao của mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng câu hỏi cho Donald Trump, cho các thành viên đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội là: Họ có muốn dẹp bỏ hàng trăm nghìn công ăn việc làm trong ngành năng lượng mặt trời đã được tạo ra? Họ có muốn đề nghị các hãng sản xuất xe hơi lớn trang bị lại để chế tạo thêm nhiều xe hơi chạy bằng xăng, trong khi giới tiêu thụ đang rất vui khi họ lái những chiếc xe hiện nay uống rất ít xăng? Khi nói đến các nhà máy điện, trái với những lời tuyên truyền, không phải vì những chính sách của tôi mà kỹ nghệ than đã chết. Vấn đề nằm ở chỗ khí đốt tự nhiên thực sự là rẻ hơn than rất nhiều, vì thế giới đầu tư không ai muốn bỏ tiền ra để xây dựng những mỏ than mới.

Wenner: Về chính sách nhập cư thì sao, thưa tổng thống? Chính sách di dân của Mỹ sẽ đi về đâu? Con đường phía trước của chính sách nhập cư sẽ như thế nào?

Obama: Rất nhiều người trong đảng Cộng Hòa nhận ra rằng, không cần biết kết quả cuộc bầu cử này như thế nào, với thời gian, việc làm cho phần lớn cử tri Latino, cử tri châu Á xa lánh sẽ tạo ra vấn đề cho họ. Nhận thức đó sẽ cung cấp cho [đảng Cộng Hòa] một số động cơ, vì mưu cầu lợi ích cho chính mình, trong việc giải quyết vấn đề di dân một cách hợp lý. Trong khi đó, đối với đảng Dân Chủ và các nhà vận động về chính sách di dân, thì hiểu được rằng biên giới, đối với nhiều người dân Mỹ có một ý nghĩa gì đó, là điều rất quan trọng. Và như vậy, phải có được, như những gì tôi đã nói trước đây, cả hai điều: luật di dân đi kèm với những giá trị đúng với nguồn gốc di dân của người Mỹ. Hai điều này không bắt buộc phải mâu thuẫn với nhau. Nhưng đã có lần, vì lòng từ tâm lớn của chúng ta với những người nhập cư, chúng ta đã không giải quyết thỏa đáng phần luật pháp, phần trật tự. Chúng ta có xu hướng không để ý đến những lo ngại của người dân về việc phải bảo đảm sự hợp pháp và trật tự của những người vào nước Mỹ. Những điều này khiến tôi nghĩ là chúng ta vẫn sẽ một cơ hội nào đó, trong tương lai, để cải tổ toàn diện chính sách di dân.

Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra trong vòng hai năm tới, hoặc thậm chí có thể xảy ra trong vòng bốn năm tới, nhưng những gì chúng ta có thể làm là những thay đổi khôn ngoan, xây dựng trên những gì chúng tôi đã thực hiện được xung quanh hệ thống luật di dân. Chúng ta có hợp tác với chính quyền Mexico trong việc kiểm soát biên giới, chẳng hạn để làm sao cho áp lực của số lượng người ào ạt vào nước Mỹ, đa số là từ Trung Mỹ, được giải quyết một cách nhân đạo…

Ký giả Jann Wenner (phải) phỏng vấn Obama trong ngày sau cuộc bầu cử. (Hình: Pete Souza/Tòa Bạch Ốc)

Wenner: Có những khoảnh khắc riêng tư nào mà ông cho là đã định nghĩa tám năm lãnh đạo đất nước của mình không?

Obama: Ồ, như bạn cũng biết, đã có những khoảnh khắc nổi tiếng như lúc tôi đi qua các hàng cột của Tòa Bạch Ốc và nghe những tiếng hô “USA,” “USA” sau khi chúng tôi đã hạ được Osama bin Laden, hoặc là giây phút đứng trên lan can của Truman Balcony với đội ngũ nhân viên trẻ của tôi sau khi Đạo Luật Affordable Care Act được thông qua. Cũng có những giây phút định hình tương tự, nhưng rất riêng tư, khi tôi ngồi trong phòng Treaty Room đọc thư từ những người dân muốn chia sẻ câu chuyện của họ, như thư của một cựu chiến binh than thở là không nhận được dịch vụ cần thiết sau khi giải ngũ, và thư của một người trẻ viết rằng nhờ Đạo Luật DREAM (Dream Act) mà giờ đây anh đã tốt nghiệp, có bằng cấp, và đang dạy trong ngôi trường ngày xưa anh phập phồng đến lớp. Những lá thư này khiến bạn cảm động một cách sâu sắc.

Nhưng điều mà tôi sẽ nhớ nhất về nơi này, điều làm cho tôi xúc động nhất – và tôi đang cố gắng hết sức để không rơi vào tâm trạng quá hoài cổ, bởi vì tôi vẫn còn có một loạt các việc phải làm – đó là đội ngũ chúng tôi đã xây dựng được ở đây. Số lượng những người trẻ tuổi ở Tòa Bạch Ốc hiện giờ rất tuyệt vời. Một người như một Brian Deese, chẳng hạn. Không ai bên ngoài Tòa Bạch Ốc nhất thiết phải biết đến Brian, 35 hay 37 tuổi gì đó. Brian là phó giám đốc của phòng chính sách. Ông là người viết ra Hiệp Định Paris, Hiệp định Hydrofluorocarbons, Hiệp Định Hàng Không, những hiệp định có thể đã cứu được hành tinh này, và Brian hăng say làm những việc đó trong khi anh ấy có hai con nhỏ ở nhà, và không thể là một người tốt hơn. Có nhiều Brian như thế trong chính quyền này. Những gì tôi sẽ mang đi từ kinh nghiệm tám năm nhậm chức chính là họ: nhìn thấy cách họ cùng nhau làm việc cũng như lòng tận tụy của họ với những vấn đề mà chúng tôi cùng quan tâm.

Wenner: Ông có nghĩ rằng Michelle Obama nên ra tranh cử?

Obama: Michelle sẽ không bao giờ trở thành một dân cử. Nàng là một người hết sức có tài. Tôi biết điều đó rất rõ. Bạn cũng có thể thấy được sự quý mến đáng kinh ngạc người dân Mỹ dành cho nàng. Nhưng tôi hay đùa rằng Michelle là người quá nhạy cảm và quá khôn ngoan để muốn trở thành một nhà chính trị.

Hà Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *