Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn câu chuyện của một người đang đi tìm về cội nguồn, sắp bước chân vào “ngôi nhà cội nguồn,” nhưng lòng chợt lo lắng: “Không biết người ta có sẽ chấp nhận tôi? Tôi không có gì để trao lại cả.”
Ðại Học UCLA, ngày 24 tháng 3, 2010
“Tôi mừng sinh nhật tôi mỗi ngày!”
“Vì tôi không biết mình ra đời ngày nào…”
“Tôi kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, vì đó là cái mốc lịch sử gắn liền với đời tôi…”
“Tôi kỷ niệm cả ngày 12 tháng Tư nữa. Ngày này, tôi được nhận vào phòng cấp cứu của trung tâm y khoa này…”
“Tôi lại muốn kỷ niệm luôn ngày 19 tháng Mười Một, vì cái vòng đeo tay tôi được đeo từ hồi nhỏ, có dòng chữ “19 tháng Mười Một, 1974.”
“Tôi không biết cha mẹ ruột mình là ai…”
“Và tôi cũng chẳng biết gì về nguồn gốc của mình, điều mà đứa trẻ bình thường nào cũng biết.”
Ðó là những lời tự thuật của một thanh niên, biết rằng mình chắc chắn gốc gác Việt Nam, nhưng lại chưa bao giờ thực sự cảm nhận đầy đủ nguồn gốc ấy.
Người thanh niên “biết chắc, nhưng lại không chắc” ấy, tên là Vũ Tiến Kinh.
Cử tọa, gồm các y tá, sinh viên y khoa, y sĩ, bác sĩ nội trú, và bác sĩ nhi đồng có mặt trong buổi họp, để nghe Kinh nói, bỗng nhiên yên lặng.
Chỉ trước đó ít phút thôi, họ đã cười rộn rã trước những lời khôi hài của người thanh niên trẻ có tên Vũ Tiến Kinh.
Không khí trong phòng chùng lại. Có những ánh mắt chợt nặng trĩu, long lanh.
Hôm ấy là một sự kiện đặc biệt. Ðó là một cuộc đoàn tụ, đúng nghĩa. Tất cả bắt nguồn từ sự kiện xảy ra cách đây gần 35 năm, đúng vào những ngày này, của tháng Tư.
Cũng tại đây, 35 năm trước
Vũ Tiến Kinh đã có mặt tại đây, gần 35 năm trước.
Nhưng hôm nay, nhiều sinh viên y khoa, bác sĩ nội trú và các nhân viên hành chánh của bệnh viện Mattel Children’s Hospital, và David Geffen School of Medicine, thuộc trường UCLA, đã mang vào phòng những hộp cơm, để vừa ăn trưa, vừa chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt, và nghe Kinh kể lại chuyện đời mình.
Câu chuyện mà họ được nghe là cuộc hành trình của một người đi tìm nguồn cội.
Ngày 12 tháng Tư, 1975, chuyến máy bay đưa Kinh, và 219 trẻ em mồ côi khác của viện mồ côi An Lạc, rời khỏi một Việt Nam đang tan tác vì chiến tranh, đã phải hạ cánh gấp xuống Los Angeles.
Lý do là vì Kinh và gần 20 trẻ sơ sinh khác đã quá yếu, không thể tiếp tục cuộc hành trình đến thẳng Fort Benning, Georgia, nơi các em sẽ được Tressler Lutheran Agency thu xếp tìm gia đình cha mẹ nuôi.
Bác sĩ nhi khoa Barry Halpern, giờ đây đã 61 tuổi, tóm tắt bảng giám định y khoa do chính tay ông viết, về bệnh nhân Vũ Tiến Kinh, cách đây đúng 35 năm: “Bệnh nhân Vũ Tiến Kinh, khoảng ba tháng tuổi, èo uột, thiếu dinh dưỡng, bị háo nước do bệnh đi tả, bị viêm kết mạc nặng, chốc lở đầy mình.”
Trước khi chuyển Kinh qua một y sĩ khác, Halpern gửi kèm theo hồ sơ bệnh lý của Kinh một lá thư viết tay, trong đó ông viết: “Em bé này là một bệnh nhân rất thú vị, và chúng tôi ở UCLA rất mong được biết sức khỏe em sẽ tiến triển ra sao trong những tháng ngày tới.”
Ngày một ngày hai, những “tháng ngày tới” cứ chất chồng.
Trẻ sơ sinh đến rồi đi, Bác Sĩ Halpern cũng quên mất đi bệnh nhân tí hon “rất thú vị” của mình.
Bẵng một cái đã ba mươi lăm năm!
Một hôm ông nhận được thư của một người có cái tên ông chưa bao giờ nghe: Joseph Palmeter – Vũ Tiến Kinh.
Thư viết:
“Kính thưa Bác Sĩ Halpern,
Tên tôi là Joseph Palmeter, Vũ Tiến Kinh, người Mỹ gốc Việt, mà ông, hồi còn là một bác sĩ nội trú tại UCLA có thể đã từng săn sóc vào tháng Tư năm 1975. Ðến từ một chuyến máy bay do bà Betty Tisdale tổ chức, với 219 trẻ mồ côi khác, tôi lúc đó hiển nhiên rất là èo uột. Gần ba mươi lăm năm sau, tôi rất vui có dịp viết thư báo cho bác sĩ biết tôi đã khỏe… Nếu đây đúng là ông, thì Bác Sĩ Halpern ơi, xin bác sĩ nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của tôi.”
Gửi kèm theo thư của Kinh là bản sao bức thư tay mà Bác Sĩ Halpern đã viết kèm theo hồ sơ bệnh lý 35 năm trước.
Bệnh nhân “tí hon rất thú vị,” giờ đây đã là một thanh niên, đi tìm về cội nguồn, và đi tìm về ân nhân, của cách đây 35 năm.
Bác Sĩ Halpern, giờ đang làm việc với bệnh viện nhi đồng ở Northridge, cho biết đã phải về UCLA để tìm lại hồ sơ bệnh lý của Kinh, rồi từ đó, tìm hiểu về những đứa trẻ đến từ viện mồ côi An Lạc, về nhân vật Betty Tisdale, chủ tịch của cô nhi viện này, và là người đã hết sức cương quyết, vận động tất cả khả năng, ảnh hưởng và tiền bạc của mình để mang hơn 200 cô nhi Việt Nam ra khỏi chiến tranh, đến chốn bình an. Chuyện ấy, đã 35 năm trôi qua!
Thế rồi, Kinh được gặp lại người bác sĩ ân nhân, để đích thân, trân trọng nói lời cảm tạ trước mặt các sinh viên y khoa, bác sĩ nhi đồng, y tá, và ban quản trị của bệnh viện cũ.
“Cám ơn bác sĩ đã cứu mạng tôi!”
“Cám ơn ban quản trị UCLA. Tôi luôn luôn nhớ ơn quý vị, và biết là minh chứng hùng hồn của nền y khoa hiện đại, của tinh thần cứu nhân độ thế và lời thề trước thần Hippocrates của các bác sĩ.”
Rồi bằng một giọng rất nhỏ, Kinh nói:
“Tôi rất vinh hạnh tìm được trở về “cánh cửa” đã đưa tôi vào Hoa Kỳ.”
Kinh, và câu chuyện đời
Với lối nói chuyện sắc sảo thông minh, lôi cuốn, dí dỏm, khôi hài, Vũ Tiến Kinh khiến cử tọa lúc thì cười ngặt nghẽo, lúc lại đầy xúc động.
Kinh kể là sau khi rời UCLA, anh được một gia đình đạo Tin Lành ở Williamsport, một thành phố nhỏ miền vùng quê tại tiểu bang Pennsylvania mang về nuôi dưỡng. Cha mẹ đặt tên anh là Joseph Palmeter.
Như một người con đi xa về nhà tâm sự với gia đình, Kinh cho biết đã có bằng cử nhân âm nhạc tại Westminster College ở tiểu bang Pennsylvania, và bằng cao học về hòa âm tại Penn State University.
Anh hiện đang là một thầy giáo dạy nhạc ở Connecticut.
“Những học sinh bậc trung học của tôi, liên tục dạy tôi ‘những bài học về đức khiêm tốn.’”
Vừa kể chuyện quá khứ, Kinh líu lo khoe vừa được nhận vào chương trình tiến sĩ về nghiên cứu âm nhạc trong giáo dục, và nghiên cứu tại University of Minnesota Graduate School.
“Trở thành một chuyên viên ngành giáo dục âm nhạc, để làm tươi sáng cuộc đời của những thanh thiếu niên kém may mắn ở các vùng quê hẻo lánh trên nước Mỹ!” Kinh nói về hoài bão.
“Chúng ta cùng là những người làm việc vì tha nhân.”
“Bác sĩ thì chữa bệnh cho thể chất con người, âm nhạc và giáo dục thì chữa bệnh cho tâm hồn họ!”
Rời khỏi dự định tương lại, Kinh đưa mọi người về quá khứ: “Cha nuôi tôi, ông Palmeter, là một người thợ sửa ống nước. Ông thường nói là ông ‘làm lụng vất vả để con cái không phải vất vả’, và ‘chân lấm tay bùn để con cái không phải chân lấm tay bùn.”
Nhưng tiếc thay, Kinh đã phải chia cách với gia đình cha mẹ nuôi từ năm 1994, vì “giữa chúng tôi có vấn đề.”
“Khoảng 4, 5 tuổi thì tôi biết mình không phải là con ruột.”
Kinh kể là đã chạy thẳng về nhà hỏi cha mẹ nuôi về chuyện này, sau một buổi học bị một học sinh cùng trường chạy đến bảo: “Ê, thằng kia, mày là thằng Tàu con.”
“Con có phải là người Tàu không?” Kinh hỏi.
“Cha tôi mẹ không trả lời, và cũng không muốn nói về chuyện đã nhận tôi làm con nuôi.” Kinh tâm sự.
Trong cuộc hành trình tìm gốc rễ của mình, Kinh đi tìm gặp bà Betty Tisdale, hiện đã 87 tuổi, ở tiểu bang Seatle, để biết thêm về cô nhi viện An Lạc, ở Sài Gòn, nơi đã dưỡng nuôi anh vài tháng trước khi anh được mang vào Hoa Kỳ.
Với anh, buổi đoàn tụ hôm nay, mà anh gọi là trở về “cánh cửa vào đời,” là một dấu mốc quan trọng.
Cho đến nay, những gì xảy ra bên kia cánh cửa đó, anh không hề biết, và có thể sẽ không bao giờ biết.
“Nghe nói, tôi đã bị bỏ vào một cái giỏ, rồi mang để ở trước cửa Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ.”
“Từ khi biết mình bị bỏ rơi từ nhỏ, tôi lúc nào cũng muốn tìm hiểu gốc gác của mình”
“Mình là ai và từ đâu đến, câu hỏi ám ảnh tôi mãi không thôi!”
Từ mười năm nay, khi có dịp, Kinh đi khắp nơi và làm thiện nguyện để gặp gỡ người kém may mắn, như những tù nhân ở New York, các cô nhi đói khát tình thương, nằm mẹp trên những cái giường bẩn thỉu ở viện mồ côi, khát khao một chút vỗ về, âu yếm.
Bước đầu của Kinh trong việc thực hiện ước nguyện trở về nguồn, là chính thức xin đổi tên, từ tên Mỹ Joseph Palmeter để trở về với tên Việt Nam, được ghi trong khai sanh của mình, là “Vũ Tiến Kinh.”
Hành trình tìm về cội nguồn
Kinh biết rằng ngay cả cái tên này cũng không phải là tên thật của anh, mà chỉ là một cái tên do bà Betty Tisdale đặt đại ra. Người ta kể rằng, trong lúc gấp rút lo thủ tục cho các em được lên máy bay, bà phải “chế” ra giấy khai sinh cho hằng trăm đứa trẻ, vì không ai trong cô nhi viện An Lạc có giấy khai sinh trước đó.
Bà Betty, khi ấy, đã cho vài chú nhóc, mỗi chú một cái họ “Vũ Tiến…”
“Dù sao đây cũng là cái tên gần nhất với quá khứ!” Kinh nói.
“Tôi biết bước tới trong cuộc hành trình sẽ là một chuyến về thăm Việt Nam, nhưng không biết bao giờ sẽ thực hiện chuyến đi đó!”
“Chỉ biết là tối nay, tôi sẽ được đi thăm tòa soạn của nhật báo tiếng Việt lớn nhất tại hải ngoại, và sau đó sẽ được dẫn đi ăn thức ăn Việt Nam ngon nổi tiếng ở Little Sài Gòn.” Vũ Tiến Kinh chia sẻ với cử tọa, và có lẽ cũng để nhắc tác giả bài viết này về những gì tôi đã hứa với anh trên đường đi từ bãi đậu xe của Ronald Reagan UCLA Medical Center đến phòng họp.
Ðến giờ hẹn, chúng tôi đến đón anh từ khách sạn về thăm tòa soạn trước bữa ăn tối.
Xe chở Kinh đi qua những con đường chính trong Little Saigon. Ngây người nhìn những bảng hiệu bằng tiếng Việt, Kinh buột miệng:
“Ði qua khu phố của người mình mà không hiểu được tiếng mình, cảm giác lạ thật…”
“Và, những bảng hiệu này, tôi chỉ nhìn chứ không đọc được, quả là khó chịu.”
Rồi anh tâm sự rằng, tất cả những điều ít ỏi anh biết về Việt Nam, là biết qua Internet, và qua những gì nghe bà Betty Tisdale kể lại.
Anh không có bạn Việt Nam, chưa bao giờ nghe nhạc Việt Nam, không đọc được chữ Việt Nam, không nói được một câu tiếng Việt nào, và cũng chưa bao giờ nghe người Việt Nam nói chuyện.
Anh cũng không biết thức ăn Việt Nam, ngoài một lần ăn “cái món gì cuốn cuốn” do bà Betty Tisdale đãi, và rất muốn biết mặt mũi khu Little Saigon, nơi có hàng mấy trăm ngàn đồng hương của anh đang sinh sống.
“Chà chà, tòa soạn lớn hơn em hình dung nhiều! Ðúng là tờ báo lớn nhất của cộng đồng!” Kinh nói thế khi chúng tôi bước vào tòa soạn.
Cầm một tờ báo trên tay, Kinh muốn tôi chỉ cách đọc hai chữ “Người Việt,” rồi hỏi tôi chữ đó có nghĩa gì.
Chỉ vào Kinh tôi nói: “Người Việt có nghĩa là Vietnamese! Là em, vì em là người Việt.”
“Là một tờ báo cộng đồng có khó hơn một tờ báo dòng chính nhiều lắm không, và những khó khăn chính là gì?” Kinh chợt hỏi.
“Hỏi tức là trả lời.” Tôi cười.
Rồi tôi kể sơ cho Kinh nghe vài nét về cộng đồng, rằng ở đa số dân ở đây là những người tị nạn cộng sản, về ưu tư của thế hệ những người lớn tuổi, những khó khăn trong việc hòa nhập với dòng chính, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa khác biệt. Tôi kể chuyện những trẻ em Việt Nam lớn lên ở đây nói không rành tiếng Việt, đôi khi xung đột với bố mẹ vì bất đồng quan điểm, chuyện biểu tình, chuyện nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp nhân quyền, chuyện con trai bóp cổ giết mẹ vì bị ép học làm bác sĩ, chuyện cộng đồng đang căng thẳng về việc tổ chức 30 tháng Tư.
Sau khi chuyện trò với Kinh được vài phút, chủ bút tờ báo nhận xét, rằng “Vũ Tiến Kinh mang tâm trạng của một ‘cô dâu sắp về nhà chồng’; vừa muốn tìm gặp, về lại cội nguồn, lại vừa lo lắng khi sắp sửa gặp được chính cội nguồn ấy.”
Trên đường đi đến tiệm ăn, Kinh ngập ngừng hỏi tôi: “Cộng đồng sẽ đón nhận em như thế nào hả chị? Em không có gì để ‘offer’ mọi người, ngoài chính mình!”
“Cộng đồng sẽ dang tay đón nhận em, đơn giản chỉ vì em là người Việt Nam, và sẽ nuôi dưỡng em, vì em muốn tìm về với cộng đồng.” Tôi đáp.
“Có thật không chị?” Kinh nhìn tôi, hoài nghi quấn lấy hy vọng.
“Từ từ em sẽ thấy!” Tôi nói.
Ở tiệm ăn, Kinh đòi tôi giải thích và hướng dẫn cách ăn từng món.
Với Kinh, món gì cũng lạ, cũng ngon miệng. Tôi nhìn Kinh tập gói miếng chả giò vào rau xà lách, kèm miếng dưa leo, mấy lá rau thơm rồi chấm vào chén nước mắm, rồi khen là Kinh rất “có tâm hồn ăn uống.”
Chúng tôi cười xòa.
“Ở thời điểm nào thì em bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu về nguồn gốc của mình?” Tôi thắc mắc.
“Không thể nêu ra được một thời điểm cụ thể, chị ạ.”
“Em suy nghĩ như một người Mỹ, và sống như người Mỹ, nhưng cũng thấy có một cái gì thiếu vắng trong đời.”
“Em nghĩ em là ‘Amerisan’, vì em mắt xếch và cao quá.” Kinh tâm sự.
“Cũng có thể!” Tôi gật gù.
“Ðôi khi em tự hỏi tại sao lại có người bỏ mình vào một chiếc giỏ mang bỏ đi. Không biết lúc sinh ra em có được mẹ ôm vào lòng không?”
Câu hỏi của Kinh làm tim tôi đau nhói.
Trên đường về nhà, Kinh buột miệng: “Em vừa cảm nhận rất rõ một sự khác biệt giữa người Mỹ và Ðông Phương!”
“Người Mỹ rất thực dụng, đối với họ luôn luôn phải có quyền lợi song phương. Phải có sự trao đổi.”
“Còn người Á Ðông mình cư xử có tình.”
Rồi Kinh nói thêm: “Em biết mình sẽ phải làm gì rồi. Em sẽ về thăm Little Saigon nhiều hơn. Coi như đây là một ngôi nhà thay thế.”
Vũ Tiến Kinh thừa nhận, đã 35 năm, đây là lần đầu anh biết về Little Saigon, về một cộng đồng của những đồng hương.
Và, Kinh khẳng định: “Lần về này sẽ không phải là lần cuối.”
Kinh đang rất cần, và đang tìm, một “ngôi nhà thay thế.” Tôi thầm nghĩ.
Hà Giang
Người Việt – 26 tháng Ba, 2010