Con dao rỉ sét của O.J. Simpson và phiên tòa của thế kỷ

Tuần qua lướt nét, tôi thoáng thấy tin sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) sắp giảo nghiệm một con dao tìm thấy trong ngôi nhà cũ của “siêu sao” football O.J. Simpson, người từng bị truy tố tội giết vợ trong phiên tòa cách đây hơn 20 năm, đang làm xôn xao dư luận.

Chưa kịp nghiên cứu gì đã nhận được email của Khánh, người bạn hồi xưa làm việc cùng sở.

Dễ thương nhanh nhẩu, nhưng hay kết luận vội vàng (và ẩu), Khánh phát pháo:

“Everyone, coi tin động trời này nè! Tìm thấy con dao giết người rồi thì kỳ này OJ chết rục xương trong tù. Đúng là lưới trời lồng lộng nhe bà con.”

Tuấn, bản tính trầm ngâm, lừng khừng theo cái kiểu rất ư là “Làm sao cũng chẳng làm sao/Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi/Làm chi cũng chẳng làm chi/Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao,” theo tinh thần một bài thơ của cụ Phan Khôi, đáp:

“Gì mà rục xương đây ông? Con dao này mấy chục năm rồi, dù còn dính DNA thì cũng ai làm gì được thằng chả, bộ ông quên luật double jeopardy rồi sao?”

Khánh: “Ồ nhớ cái vụ double jeopardy đó rồi. Một người không bao giờ bị xử hai lần về cùng một tội chứ gì? Nhưng thằng cha OJ giờ đang nằm tù chờ paroled mà lòi con dao này ra chắc chắn là hổng được ân xá rồi…”

Tuấn: “Cũng lạ, con dao ở đâu xuất hiện trong lúc show “American Crime Story: The People v. O.J. Simpson,” vừa mới trình làng. Có ai âm mưu gì không ta?”

Mai, cô bạn thân nhất của tôi thời đó, chẳng quan tâm gì tới con dao, số phận của O.J. Simpson, hay tới thuyết âm mưu gì gì của mấy chàng, phúc đáp rất… lạc đề:

“Nhận email mấy ông, nhớ thời tụi mình còn ở Platinum Software quá đi. Hồi đó bữa lunch nào tụi mình cũng xúm lại bình loạn rùm beng về cái vụ này. Mấy chục năm qua vèo rồi. OJ giờ già lắm rồi hén?”

O.J. Simpson giờ già rồi và tụi tôi cũng già luôn.

Đám bạn cũ từ lâu im tiếng bỗng vì một sự kiện tình cờ xuất hiện làm tôi nhớ lại khoảng đời ngày xưa làm việc trong một công ty software, mà ngoài vài đồng nghiệp Ấn Độ, tụi tôi là 4 người gốc Việt duy nhất trong đám nhân viên toàn người Mỹ.

Tò mò, tôi lên mạng tìm đọc tin tức về con dao kỳ bí vừa xuất hiện để xem sao. Vừa gõ “O.J. Simpson Knife” vào Google tôi giật mình khi chỉ trong vòng 48 giây, Google cho hiện ra một danh sách hơn 16 triệu bài viết liên quan.

Wow! tha hồ mà đọc!

Đi làm cho mình một ly sinh tố bơ lớn, tôi ngồi ôm máy vừa nhấm nhi vị bùi béo của avocado, vừa bắt đầu “nghiên cứu.”

Con dao vừa xuất hiện, theo lời LAPD, dài khoảng 5 inch, vừa cũ kỹ vừa rỉ xét, được một người thợ xây dựng tìm thấy năm 2003, khi đập phá một cái tường của nhà O.J. Simpson, lúc đó đã đổi chủ, và đưa cho một cảnh sát viên của LAPD giờ đây đã về hưu. Nhưng ông cảnh sát viên này lúc đó mang con dao về nhà cất, sau khi gọi điện thoại, và được một nhân viên LAPD lúc đó trả lời rằng phiên xử đã kết thúc, không ai cần đến nó nữa. Hiện nay phát ngôn nhân LAPD cho biết việc con dao này tại sao giờ lại xuất hiện còn đang trong vòng điều tra.

Con dao cũ kỹ và dỉ xét này, đánh giá theo danh sách hơn 16 triệu bài viết đề cập ở trên, quả tình đã khai quật lên một hồ sơ vụ án tưởng đã bị chôn vùi từ bao nhiêu năm nay.

Vào ngày 12 tháng Sáu, 1994, Nicole Brown, 35 tuổi, (vợ đã ly dị của O.J. Simpson) và Ronald Goldman, 26 tuổi, bạn trai của Nicole, bị hàng chục nhát dao đâm chết ngay ngoài cửa nhà riêng của Nicole ở Brentwood, Los Angeles. Cảnh sát lập tức nghi ngờ O.J. Simpson là thủ phạm. Có nhiều lý do khiến mọi người chú ý đến sự kiện này ngay từ những ngày đầu: O.J. Simpson là một siêu sao football da đen, có vợ da trắng, O.J. Simpson nổi tiếng là nóng tính, hay hành hung vợ vì ghen, nhưng quan trọng hơn cả, chỉ vài ngày sau khi án mạng xẩy ra, khi sở cảnh sát LAPD, dù đã xin được lệnh tòa bắt O.J. Simpson, nhưng lại để cho Robert Shapiro, luật sư của ông ta, thuyết phục là sẽ đưa thân chủ mình đến nạp mạng, lúc 11 giờ sáng hôm 17 tháng Sáu, 1994.

Dĩ nhiên, với cáo trạng giết hai người, luật sự của O.J. Simpson biết thân chủ mình sẽ không được tại ngoại hầu tra, và nếu bị kết tội, sẽ bị án tử hình. Còn O.J. Simpson thì có lẽ đâu có điên mà đưa đầu nạp mạng. Kết quả là một cuộc rượt đuổi ngoạn mục được trực tiếp truyền hình cho cả thế giới theo dõi.

Riêng với tôi, vì một đoạn của cuộc rượt đuổi này xảy ra ngay ở xa lộ 405 gần nhà, nên cho đến giờ có những chi tiết tôi không làm sao quên được.

Cuộc truy lùng
“Cuộc hẹn nạp mạng” đầy lý thú của siêu sao football của O.J. Simpson, bị cáo của án mạng đẫm máu với LAPD, được truyền thông rầm rộ đưa tin. Buổi trưa hôm ấy thiên hạ, trong đó có 4 đứa tụi tôi và nhiều đồng nghiệp, dán mắt vào màn ảnh truyền hình ở phòng ăn ở Platinum Software để thấy gần 1,000 phóng viên báo chí đứng chờ Simpson tại trạm cảnh sát. Nhưng 12 giờ, rồi 1 giờ, bóng Simpson vẫn bặt tăm. Cảnh sát LAPD đến nhà Simpson mới biết ông ta đã được Al Cowlings, một người trước đây ở cùng đội football đưa đi trốn trên chiếc xe Bronco màu trắng.

Hai giờ chiều, LAPD gửi thông báo khẩn đi khắp nơi, cuộc truy lùng bắt đầu. Vào lúc 5 giờ chiều, Robert Kardashian, bạn thân của Simpson và luật sư Robert Shapiro, đại diện cho Simpson, xuất hiện trong một cuộc họp báo, đọc lá thư được cho là “thư tuyệt mệnh” của Simpson lúc ấy.

Thư viết: “Trước hết xin mọi người hiểu cho rằng tôi không dính líu gì đến cái chết của Nicole. Tôi yêu Nicole, đã yêu và sẽ mãi mãi yêu nàng. Nếu hôn nhân của chúng tôi có vấn đề, đó chỉ là vì tôi yêu nàng quá. Mọi người đừng thương hại tôi. Tôi đã có một cuộc đời rất đẹp…” Cũng qua màn ảnh truyền hình, luật sư Robert Shapiro kêu gọi Simpson hãy ra đầu hàng với cảnh sát.

Sau cuộc họp báo, ký giả mọi nơi kéo nhau lên xe, lái thục mạng, theo sát nút cảnh sát, gia nhập cuộc truy lùng. Và cả nước Mỹ như lên cơn sốt khi đến khoảng hơn 6 giờ chiều, một người ở Quận Cam báo là vừa thấy bóng O.J. Simpson ngồi trên chiếc xe Bronco màu trắng, do người bạn thân tên là Al Cowlings cầm tay lái. Theo dõi các cú gọi từ điện thoại di động của O.J. Simpson, gần 7 giờ tối, đoàn xe của LAPD theo kịp được chiếc Bronco trắng đi về phía Bắc xa lộ 405, ngay khúc gần nhà tôi, với còi báo động rú inh tai nhức óc. Tôi nhớ mình xem tivi mà tim đập thình thịch trong lồng ngực, khi xe cảnh sát áp sát chiếc Bronco, và Al Cowlings hét vang lên rằng, Simpson đang ngồi băng sau xe, súng dí sát vào màng tang, đang sẵn sàng lẩy cò. Đoàn xe cảnh sát, khoảng 20 chiếc, đi chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục bám sát.

Đến một lúc nào đó, hơn 269 máy bay trực thăng vần vũ trên bầu trời, tham gia cuộc đuổi bắt. Sự tham gia cao độ của mọi cơ quan truyền thông khiến truyền hình bị nhiễu sóng. Huấn luyện viên thể thao John McKay được mời lên đài phát thanh khuyến khích Simpson nạp mình và bỏ ý định tự tử. Thám tử Tom Lange, thuộc LAPD, từng phỏng vấn Simpson về án mạng vào ngày 13, nhận ra rằng mình có điện thoại di động của Simpson, bắt đầu gọi ông cho Simpson liên tục.

Một đồng nghiệp nối máy ghi âm vào điện thoại của Tom Lange, thu băng cuộc trò chuyện giữa Lange và Simpson, qua đó, thám tử Lange nhiều lần năn nỉ Simpson “ném khẩu súng ra ngoài cửa sổ” và hãy nghĩ đến người mẹ già và hai đứa con nhỏ. Simpson xin lỗi đã không nạp mình sáng hôm đó, nói: “tôi là người duy nhất xứng đáng để phải đau khổ” và “tôi chỉ muốn đi theo Nicole.” Khán giả theo dõi chương trình nghe được tiếng Al Cowling, vừa lái chiếc xe Bronco màu trắng về hướng nhà Simpson, vừa nài nỉ Simpson đầu hàng và kết thúc cuộc săn đuổi. Sau này, nói chuyện với báo chí, Al Cowling giải thích rằng, hành động và lời nói của OJ, với ông, là một sự nhận tội.

Buổi tối hôm ấy, cả ba đài truyền hình lớn, CNN và nhiều đài địa phương khác làm gián đoạn những chương trình hàng ngày, với 95 triệu người xem trên toàn quốc, để tường trình cuộc rượt bắt. Hai ký giả thượng thặng Peter Jennings và Barbara Walters tường trình cho đài ABC, chương trình đạt được điểm cao nhất từ trước tới nay của họ trong tuần đó. Trong khi đó Domino Pizza cho biết số bán pizza tối hôm đó cao không thua gì số bán của chương trình Super Bowl Chủ Nhật.

Người hiếu kỳ túa ra đường đứng dọc theo hai bên bờ xa lộ dẫn về nhà của O.J. Simpson, mong được thấy mặt siêu sao football mà họ ái mộ. Nhiều người khác dơ cao băng rôn xúi dục OJ tiếp tục chạy trốn. Mọi người cùng chia xẻ một “cảm xúc hồi hộp lo lắng chung,” không biết rồi OJ Simpson sẽ tự tử, trốn thoát, bị bắt giữ, hay sẽ có một cuộc đối đầu đầy bạo lực. Và bất kể kết cục sẽ ra sao, cuộc đuổi bắt này tạo cho mọi người một cảm giác mạo hiểm, như họ đang tham gia vào một cuộn phim tầm cỡ quốc tế đang được diễn ra và thu hình.

Cuộc truy đuổi kết thúc vào lúc 8:00 giờ tối tại cửa biệt thự của Simpson ở Brentwood, nơi cậu con trai nhỏ của Simpson chạy túa ra khỏi nhà, xua tay loạn xạ. Simpson đòi phải được nói chuyện với mẹ trước khi đầu hàng. Sau khi ngồi yên trong chiếc Bronco trắng khoảng 45 phút, Simpson được vào nhà một giờ đồng hồ. Mọi phóng viên cười ồ, khi phát ngôn viên của LAPD nói rằng trong thời gian này, Simpson đã nói chuyện với mẹ, rồi uống một ly nước cam. Sau đó luật sư Robert Shapiro đến, và Simpson nộp mình cho cảnh sát vài phút sau đó. Lục soát trong chiếc Bronco trắng, cảnh sát tìm thấy “$ 8000 tiền mặt, một bộ quần áo, một khẩu súng 357 Magnum, passport, hình ảnh gia đình, mà một chùm râu dê và ria mép giả.

Phiên tòa của thế kỷ
Phiên tòa The People vs. O.J. Simpson được trực tiếp truyền hình, kéo dài gần một năm, từ ngày bồi thẩm đoàn tuyên thệ hôm 9 tháng Mười Một, 1994, đến lúc bồi thẩm đoàn có phán quyết ngày 3 tháng Mười, 1995.

Vào mùa hè năm 1995, phiên tòa đến hồi sôi nổi, và là đề tài duy nhất mà mọi người thảo luận ở khắp nơi. Phiên tòa của bị cáo người Mỹ da đen giết hai người Mỹ da trắng chia Hoa Kỳ ra làm hai phe. Đa số người da đen cho rằng O.J. Simpson vô tội và là nạn nhân của một sở cảnh sát đầy những nhân viên kỳ thị chủng tộc. Những người còn lại, nghĩa là người Mỹ da trắng và đủ các loại da mầu (không đen) dựa vào những chứng cớ hùng hậu được đưa ra trước tòa, tin rằng O.J. Simpson đích thực là kẻ giết hai nạn nhân vô tội vì ghen tuông làm mất trí.

Công tố viện đưa ra nhiều chứng cớ hùng hồn, bao gồm DNA tìm được trong dấu giầy đẫm máu của O.J. Simpson tìm thấy ở hiện trường, chiếc găng tay của O.J. Simpson tìm thấy gần nhà ông ta được DNA cho thấy có máu của Simpson lẫn với máu nạn nhân Ron Goldman. Máu tìm thấy trên chiếc xe Bronco trắng chở Simpson đi trốn ở gần tay nắm cửa bên ngoài phía tài xế, và trên thảm xe, cho thấy có DNA của Simpson lẫn của các nạn nhân. Lông và tóc của Simpson tìm thấy trên áo của nạn nhân Ron Goldman. Chứng cớ còn nằm ở trong khúc phim chiếu cảnh rượt bắt giữa LAPD và Simpson trước khi ông ta đầu thú, lá thư được xem như thư tuyệt mệnh, và ở biết bao nhiêu cú phôn 911 mà Nicole gọi cảnh sát để cầu cứu khai rằng Nicole sợ bị Simpson giết vì ghen tuông, cả trong thời gian hai người còn là vợ chồng lẫn sau khi ly dị.

Trước hàng loạt những chứng cớ DNA này, bên luật sư biện hộ cho O.J. Simpson đưa ra tòa lời khai của nhiều chuyên gia, cho rằng DNA chưa chắc là chứng cớ tuyệt đối có thể quyết đoán rằng thân chủ của họ 100% có tội. Tình hình bên bị cáo xem có vẻ bi quan cho đến khi luật sư của O.J. Simpson mời thám tử Mark Fuhrman, thuộc LAPD, ra làm nhân chứng.

Mark Fuhrman được gọi ra tòa để trả lời về chiếc găng tay dính máu mà ông tìm được ở nhà O.J. Simpson. Luật sư của bị cáo chọn Mark Fuhrman làm nhân chứng vì Fuhrman nổi tiếng là người kỳ thị người Mỹ gốc Phi Châu, từng đưa ra những lời miệt thị với người da đen trong đầu thập niên 1980s. Trước tòa, khi bị chất vấn, Mark Fuhrman khai rằng ông không còn kỳ thị nữa, và đã lâu rồi không miệt thị người Mỹ da đen như trước. Luật sư bên bị cáo lập tức đưa ra chứng cớ ngược lại gồm một đoạn băng thu thanh, ghi lại những lời miệt thị gần đây của Mark Fuhrman, và một lô nhân chứng nói rằng Fuhrman đích thị là một cha tổ kỳ thị, và rất ghét những cuộc hôn nhân dị chủng (giữa trắng và đen.) Nhân chứng Kathleen Bell, gạt nước mắt khi nói với bồi thẩm đoàn rằng Fuhrman nói với bà trong cuộc gặp mặt đầu tiên của họ là người Mỹ gốc Phi cần phải được “gom vào một chỗ rồi đốt cháy.” Nhân chứng Natalie Singer, khai rằng vào năm 1987, Fuhrman nói với bà: “Tên mọi đen tốt là một tên mọi đen đã chết.”

Hình ảnh bồi thẩm đoàn đa số là da đen, chăm chú ngồi nghe và ghi chú lời các nhân chứng nói về sự kỳ thị nặng nề Mark Fuhrman dành cho người da đen khiến nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi là có thể là thế cờ của phiên tòa đã bị lật ngược.

Reasonable Doubt
Tại phòng ăn hôm ấy, chúng tôi bàn cãi sôi nổi.

“Luật sư của O.J. Simpson sẽ khai thác vụ kỳ thị này và lập luận là có thể Mark Fuhrman vì ghét người da đen, đã ngụy tạo chứng cớ và chiếc găng tay của O.J. Simpson dính máu của Simpson với máu Ron Goldman, chính là tác phẩm của Fuhrman.” Một người bàn.

Người khác gạt đi: “Dù có bỏ cái găng tay máu đi thì cũng còn bao nhiêu chứng cớ khác chớ! Chiếc giày, máu ở trong thảm xe, tóc của O.J. Simpson dính trên áo nạn nhân nữa chi? Còn vụ bỏ chạy nữa. Hắn vô tội thì tại sao lại bỏ chạy?”

Ngày bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết, chúng tôi, cả nhân viên lẫn các xếp từ cấp lớn đến cấp nhỏ, không tập trung tư tưởng làm được việc gì, chỉ luẩn quẩn chờ giờ có verdict. Mọi người vây quanh hai chiếc tivi lớn, một chiếc trong phòng họp và một chiếc nữa ở phòng ăn. Người mang cà phê, người mang bánh, người nào người nấy khẩn trương mong chờ phán quyết, như thể qua phán quyết của bồi thẩm đoàn trong phiên tòa này, chúng tôi sẽ có câu trả lời là ở xã hội Mỹ thực sự có công lý hay không.

Ông sếp của tôi lúc đó, Paul Andersen, có vợ là luật sư, có lẽ là người say mê theo dõi vụ án nhất, nói trong 9 tháng qua, vụ kiện là đề tài duy nhất tại bàn ăn tối trong gia đình 3 người của họ. “Vợ tôi bả say mê giải thích thủ tục tố tụng và kỹ thuật tranh cãi cho cậu con trai đang tính đi học luật”. Ông khoe.

Khi bồi thẩm đoàn 12 người, trong đó tám người là da đen, tuyên bố O.J. Simpson vô tội, NOT Guilty, chúng tôi nhìn nhau không ai tin vào tai mình. Không ai chấp nhận kết quả, với họ không thể chấp nhận được ấy.

“What’s the F?” Vài người la lên. Hai người bạn đồng nghiệp người da đen, cực kỳ thiểu số trong đám đông 2/3 da trắng, 1/3 Á Đông của tụi tôi, lặng lẽ lắc đầu bỏ ra ngoài.

“Vô tội? Bộ dỡn sao ? Bịnh quá! Từng đó bằng chứng chồng chất mà không có tội? mà là có nghi ngờ hợp lý (reasonable doubt)? Phiên tòa thổ tả này làm phí thì giờ và tiền tui đóng thuế. Thật là một trò hề lớn nhất thế kỷ.” Một người than.

“Tôi cầu mong thượng đế cho hắn (Simpson) sống suốt cuộc đời còn lại trong ác mộng và tất cả mọi thứ khủng khiếp trên đời sẽ đến với hắn.” Người khác rủa.

Paul Andersen, ông xếp tôi không dấu được tiếng thở dài, trở về văn phòng đóng cửa gọi điện thoại nói chuyện với vợ rất lâu. Rồi ông sang phòng làm việc của tụi tôi, chia sẻ, như trấn an chính mình:

“Mặc dù chúng ta ai cũng ngờ rằng O.J. Simpson là thủ phạm, chúng ta phải chấp nhận phán quyết, vì luật xử hình sự của Mỹ là như thế: innocent until proved guilty. Vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Và phải chứng minh có tội mà không còn nghi ngờ nào nữa. Hiển nhiên là trong trường hợp này bên công tố đã không thể thuyết phục bồi thẩm đoàn là chứng cớ họ đưa ra “không còn nghi ngờ hợp lý nào nữa,” (beyond a reasonable doubt,) mặc dù họ có nhiều chứng cớ nặng ký. Bồi thẩm đoàn cho rằng lập luận cảnh sát da trắng âm mưu để kết tội O.J. Simpson vì kỳ thị chủng tộc là một nghi ngờ hợp lý,” và phương pháp được xử bởi bồi thẩm đoàn nó là như thế: the jury decides.

Chẳng biết giải thích của Paul Andersen có trấn an được ai không. Chỉ biết đọng lại trong tôi một thời gian rất lâu là câu hỏi xã hội Mỹ thực sự có công lý hay không.

Lưới trời lồng lộng
Đã hơn 20 năm rồi, hôm nay ôn lại những sự kiện này, nghĩ về O.J. Simpson tôi không còn cảm thấy người đàn ông này đáng ghét, nếu không muốn nói là thấy lòng có chút thương cảm cho một cuộc đời. Cuộc đời của O.J. Simpson sau khi vợ cũ bị chết thật chẳng ra gì.

Gần hai năm sau khi được tòa án hình sự tuyên bố vô tội, O.J. Simpson bị bồi thẩm đoàn của tòa án dân sự tuyên bố là bằng chứng cho thấy (vâng, cũng vẫn những bằng chứng đó) phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Nicole Brown và Ron Goldman, và phải bồi thường thiệt hại cho hai gia đình này tổng số tiền là $33.5 triệu. Sở dĩ O.J. Simpson được tha bổng ở tòa hình sự, nhưng lại bị kết tội ở một phiên tòa dân sự, là vì luật xử ở tòa dân sự chỉ đòi hỏi công tố viên đưa ra được nhiều bằng cớ, preponderance of the evidence, thay vì phải chứng minh có tội mà không còn nghi ngờ gì nữa (beyond reasonable doubt,) như ở tòa án hình sự. Và với những chứng cớ DNA hùng hồn như đã nói ở trên, thì bồi thẩm đoàn của tòa án dân sự có đủ dữ kiện để kết tội Simpson.

Trở lại với việc phải bồi thường $33.5 triệu cho hai gia đình nạn nhân, dĩ nhiên O.J. Simpson không có ý định bồi thường cho họ, nên đã tìm cách trốn chạy và giấu diếm tài sản. Kết quả là Simpson bị Fred Goldman, bố của nạn nhân Ron Goldman bỏ thì giờ ra săn đuổi trong suốt bao nhiêu năm trời, hễ thấy Simpson có tiền ở đâu là theo đến đấy để xiết nợ.

Về đời sống gia đình, O.J. Simpson bị tước quyền nuôi con. Hai đứa con nhỏ về nương náu bên nhà ngoại, và từ đó cho đến nay sống âm thầm lặng lẽ, không xuất hiện trước công chúng.

Vào năm 2007, Simpson bị bắt ở Las Vegas, Neveda vì tội ăn cướp có vũ trang. Năm đồng bọn của O.J. Simpson trong vụ cướp này cùng làm chứng tố cáo trước tòa rằng O.J. Simpson là kẻ chủ mưu, ra lệnh cho họ đi ăn cướp và mang theo súng. Một người còn đưa ra cuộn băng thu lại tất cả sự việc trong đó có giọng của O.J. Simpson ra lệnh cho họ phá cửa vào phòng, tấn công và rút súng. Có dư luận cho rằng O.J. Simpson bị họ lập bẫy đưa vào tròng.

Vào ngày 3 tháng Mười, 2008, chính xác cũng ngày 3 tháng Mười, 13 năm sau ngày O.J. Simpson không bị kết tội giết vợ, ông bị tòa hình sự ở Nevada kết tội tất cả 10 tội danh, trong đó bắt cóc, và ăn cướp có vũ trang. Hai tháng sau, Simpson bị kết án tối đa là 33 năm tù giam.

Hôm bản án được tuyên bố, bà Kim Goldman, chị của nạn nhân Ron Goldman khóc òa: “Công lý cuối cùng đã đến cho gia đình tôi!”

Từ năm 2008 đến giờ O.J. Simpson vẫn ngồi tù. Người quản tù của Lovelock Correctional Center in Nevada, nơi O.J. Simson bị giam, cho biết O.J. trưng bức hình của Nicole trong một góc phòng giam. Người đến thăm O.J. Simson nói ông bây giờ trầm cảm, mất trí nhớ, và không muốn gặp người nhà, nhưng vẫn luôn lảm nhảm nói chuyện với Nicole, người vợ cũ bị chết thảm, bỏ lại hai đứa con thơ.

O.J. Simpson trong buổi hầu tòa xét đơn xin giảm án tại Neveda năm 2013.

Nếu cách đây hơn 20 năm đa số người Mỹ da đen tin là OJ vô tội, chỉ người Mỹ da trắng tin rằng ông ta có tội thì kết quả một cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy nhiều người da đen bây giờ cũng tin rằng O.J. Simson đã giết vợ. Có người còn cho rằng Simpson bị hồn ma của Nicole ám ảnh nên đã viết cuốn sách có tựa “If I Did It” miêu tả tỉ mỉ chi tiết của việc giết hai nạn nhân, những chi tiết được cho là chỉ chính kẻ đã ra tay hạ sát Nicole Brown và Ron Goldman mới có thể biết được. Cuốn “If I Did It” được toà trao cho Fred Goldman xuất bản để khấu trừ vào tiền bồi thường O.J. Simpson nợ, và nhanh chóng trờ thành sách bán chạy nhất thời đó. Tuy nhiên, khi xuất bản cuốn sách, Fred Goldman cố tình cho in chữ if rất nhỏ, thành ra, nhìn thoáng qua, người ta tưởng tựa sách là “I Did It” như một lời tự thú của O.J. Simpson.

Sau khi chuyện con dao xuất hiện, bà Christie Prody, bạn gái cũ của O.J. Simpson nói với báo chí bà lo sợ rằng nếu được ra khỏi tù, “O.J. Simpson có thể sẽ tìm đến giết tôi như đã giết Nicole trước đây.” Christie nói với tờ báo lá cải The National Inquirer rằng O.J. Simpson thường nói cho bà biết là ông ta từng giết Nicole. Christie tiết lộ cái đêm kinh hoàng khi O.J. Simpson sau khi đã ngất ngư vì hút xì ke, nói chuyện không ngừng với cô về việc ông ta giết Nicole và Ron Goldman, kể lại diễn tiến khủng khiếp từng chi tiết một.” Trong nhiều năm tôi không bao giờ có thể thừa nhận rằng người đàn ông tôi yêu có thể tàn nhẫn ra tay chết người vợ cũ, nhưng tôi không còn tin vào sự vô tội của anh ta nữa. Sau khi chúng tôi chia tay, Simpson đã đối xử với tôi tàn bạo y như đã đối xử với Nicole sau khi ly dị. Ông ta hung bạo và hoàn toàn có khả năng giết người!” Bà Christie Prody khẳng định.

Trở lại với con dao cùn rỉ mới lộ diện, trong khi chờ kết quả giảo nghiệm, chưa ai biết con dao đó dính dáng gì đến vụ giết người cách đây mấy mươi năm không, và tại sao lại xuất hiện lúc này. Những người tin vào thuyết âm mưu cho rằng có người đưa con dao ấy ra để hâm nóng lại vụ kiện, hy vọng các quan tòa sắp xét đơn xin parole của OJ Simpson vào cuối năm nay, sẽ quyết định bác đơn, cho ông ta tiếp tục ngồi tù.

Khi được nghe tin về con dao, O.J. Simpson cười khẩy, nói rằng chẳng ai làm gì được ông ta về vụ án giết người ấy nữa. Nói cứng thế nhưng O.J. Simpson vẫn tỏ ra vô cùng lo lắng về việc xuất hiện của con dao này trước cuộc xét đơn xin ân xá sắp đến. Ông nói: “Đó là một nỗ lực để nhắc mọi người tôi là kẻ sát nhân, dù họ không chứng minh được điều đó.”

O.J. Simpson năm nay 68 tuổi, với bản án tù 33 năm, và mới chịu án được 6 năm, ông ta có thể phải ngồi tù thêm 25 năm nữa, nghĩa là có thể sẽ phải ở tù đến mãn đời.

Người Việt chúng ta có câu “lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt” không biết câu tục ngữ đó có áp dụng được trong trường hợp này không? Hỏi một cách khác, có phải dù O.J. Simpson đã thoát được tòa án của cuộc đời, nhưng đã không thoát được công lý của tòa án lương tâm và toà án thượng đế ?

Hà Giang
March 14, 2016

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *