Ký ức 30 tháng Tư – từ Sài Gòn đến Guam

USS Vernon tháng Tư 1975

Ký ức 30 tháng Tư buổi tối hôm ấy bỗng ập về, khi ngồi soạn lại tập tài liệu cũ, tôi tìm được, rồi thừ người vì mảnh giấy nhỏ đã ố vàng, với mấy hàng chữ nghuệch ngoạc: Joe Miller, USS Mount Vernon – 213 xxx-xxxx, Long Beach, California.

Cái tên Joe Miller tôi không còn nhớ, nhưng lòng tốt của người lính hải quân Hoa Kỳ và khuôn mặt còn non choẹt của anh, cùng những câu chuyện trên boong tàu gió lộng cách đây 45 năm, và tên tàu USS Mount Vernon thì tôi không bao giờ quên.

Làm sao mà quên được! 

Ký ức 30 tháng Tư

Đọc mảnh giấy nhớ người lính hải quân Mỹ tử tế đã ân cần hỏi thăm và cho tôi mảnh giấy nhỏ với tên và điện thoại của anh, dặn dò kỹ là khi đến Mỹ nếu cần gì cứ gọi.

USS Mount Vernon là tên chiếc tàu chiến của Hải Quân Hoa Kỳ, tham dự chiến dịch Frequent Wind, đậu ở Biển Đông, đã vớt tôi cùng khoảng hơn 300 người khác từ một tàu vận tải đạn dược của Hải Quân Việt Nam và đưa chúng tôi đến Subic Bay vào đầu tháng Năm, 1975.

Cái khó của việc kể lại những biến cố bi thương của cuộc đời là mỗi khi viết thì cảm xúc ồ ạt kéo về khiến mình không tiếp tục được. Rồi khi lòng ̣đã tạm lắng xuống để viết thì nhiều chi tiết đã biến mất.

Những dòng chữ này tôi đã định viết bao nhiêu lần, nhưng không bao giờ viết được lâu…

USS Mt Vernon 30/4/1975

Giờ đây sau 45 năm, ôn lại ký ức 30 tháng Tư, tôi chỉ còn nhớ mang máng mình và đứa em trai, hai chị em rời Tân Cảng, gần Saigon đêm khuya 29 tháng Tư, trên một tàu vận tải đạn dược của Hải quân Việt Nam đi từ Hải Quân Công Xưởng.

Trải qua đêm kinh hoàng dưới lằn bom đạn quanh quẩn trên sông Thị Nghè, sáng sớm 30 tháng Tư, tàu đi chưa được bao xa thì gặp trục trặc lại phải quay lại bến Bạch Đằng (sông Nhà Bè) để sửa chữa và đón thêm thợ máy cùng thân nhân của thuỷ thủ đoàn.

Trên đường di tản


Đón được người xong, tàu lại đi. Gần trưa, khi tầu đã ra đến gần cửa biển, có ai đó bật radio vặn lớn hết cỡ cho mọi người nghe tiếng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Quanh tôi cả đàn ông lẫn phụ nữ, có người bật khóc thành tiếng.

Mọi người không ai bảo ai cùng đồng loạt quay mặt nhìn về phía Sài Gòn dù trước mặt chúng tôi chỉ thấy ngút ngàn sóng. Có người đưa tay làm thánh giá, người khác buột miệng kêu A di Đà phật.

Tôi nhớ đã nhìn nét tuyệt vọng trên khuôn mặt sương gió của những người đàn ông đang cố ghìm xúc động và nét hãi sợ trên mặt những người đàn bà mà lòng tê dại.

Có rất nhiều chi tiết bây giờ không thể nhớ, hay có thể nhớ sai, nhưng cũng có những câu nói và hình ảnh tôi không thể nào quên.

USS Mt Vernon

Khi tàu đến cửa biển chúng tôi chứng kiến một cái chết bi thảm ngay trước mắt mà không ai làm được gì để cứu nạn nhân.

Từ sáng, trên đường đi, một người lính hải quân trên tàu chúng tôi liên tục trao đổi tình hình với đồng đội từ những chiếc tàu khác qua một máy truyền tin cầm tay.

Chợt có chiếc tàu nhỏ đi ngược chiều, trên có người lính Thủy quân Lục chiến đeo lon Đại Úy đang đứng nhìn ra biển.

-Ê giờ này sao còn đi hướng đó mày?

-Tao về tính ghé qua nhà coi bà già sao chút mày ơi.

-Đầu hàng mẹ nó rồi, về gì nữa mày?

-Đầu hàng hồi nào? Ai đầu hàng?

-Mới nghe trên ra dzô, cha Minh chả đầu hàng rồi. Thôi mày nhảy qua đây đi luôn đi.

-ĐM. Đầu hàng thiệt rồi? Sao lẹ dzậy? Dzậy đi luôn hả?

Có những quyết định phải đưa ra trong tích tắc đã quyết định số mệnh con người.

Người đại úy phía tàu bên kia cho tàu đến gần sát tàu bên chúng tôi rồi nhảy qua, nhưng sóng đẩy tàu ra và ông rơi xuống biển.

Có ai đó thả chiếc dây lớn trên tàu bên này xuống và hình như tàu cũng cố đi chậm lại, trong khi làn sóng vô tình tiếp tục đẩy ông ra xa. 

Một người lính trên tàu nhảy xuống định cứu, nhưng sóng xô quá mạnh, ông không thể nào bơi đến gần người Đại Úy, và vội bám dây bơi trở lại tàu.

Chúng tôi lặng người đứng đó nhìn người Đại Uý tìm cách bơi ngược sóng từ từ chìm nghỉm xuống lòng đại dương.
Mạng người nhẹ như chiếc lá.

Cho đến giờ thỉnh thoảng hình ảnh người lính vẫy vùng trong bộ quần áo rằn ri và chiếc bốt đờ sô nặng nề đạp tung tóe mặt nước trong tôi vẫn còn rõ như hôm qua. 

Đến chiều tối, tôi nghe mọi người nhôn nhao là đã gần ra đến được hải phận quốc tế. Đang ngồi trên boong nhìn biển mênh mông trong bầu trời tím thẫm dần, thì bỗng có tiếng loa yêu cầu tất cả thanh niên xuống hầm chứa đạn. 

Đàn bà con nít không được xuống. Cũng không được đứng sát boong tàu để tránh chỗ cho đàn ông khiêng những đầu đạn khổng lồ từ dưới hầm chuyển lên rồi thả xuống biển.

Đến lúc đó chúng tôi mới biết mình đang đi trên chiếc tàu chứa đầy đạn dược. 

Trời tối sẫm. Trong ánh đèn không sáng lắm, tôi ngồi trong góc nhìn mọi người im lặng phụ nhau khiêng những đầu đạn nặng nề và những vũ khí tôi không biết tên ném ùm xuống biển, và rùng mình khi tưởng tượng lúc ấy nếu tàu bị pháo kích thì có lẽ mọi người sẽ chết banh xác. 

Không nhớ phải mất bao lâu những người đàn ông đêm đó mới khuân hết được từng ấy vũ khí bỏ đi. Lúc họ làm việc thì đàn bà con nít dạt vào một góc. Lại có tiếng lâm râm đọc kinh và niệm Phật. Nhiều người quỳ xuống sàn tàu để cầu nguyện.

Đêm 30 tháng Tư 1975 dài vô tận.

Nước Mỹ tôi yêu quý có kỳ thị chủng tộc không?

Lên tàu há mồm

Lênh đênh trên hải phận quốc tế cho đến chiều ngày 1/5 thì chúng tôi gặp được những hạm đội của Mỹ đang chờ sẵn. Hai bên trao đổi tín hiệu. Nhưng chúng tôi vẫn phải chờ qua đêm, đến chiều hôm sau mới được cho lên hạm đội.

USS Mount Vernon há mồm đón chúng tôi vào. Mọi người được ra lệnh bỏ hết đồ đạc lại, mỗi người chỉ được mang theo hai sách tay nhỏ. Nhiều người luyến tiếc nhìn chiếc xe Honda hay những thùng đựng đồ đã khổ công mang theo.  

Tôi nhớ rõ một gia đình, có lẽ người nhà của thuyền trưởng, phải bỏ lại một chú chó. Hai cô bé đứng trên tàu khóc nức nhìn chú chó cưng đang vừa sủa vang vừa chạy qua chạy lại tìm cách theo chủ một cách vô vọng. Cặp mắt van nài của chú chó đáng thương gây ám ảnh cho người xung quanh. 

Lên đến boong tàu hơn 300 người chúng tôi được thủy thủ đoàn của USS Mount Vernon đón chào và bắt xếp hàng đi qua những vòi nước xịt nước nóng, có lẽ để tẩy trùng. 

Xịt nước xong, mỗi người được phát khăn bông để lau khô người, thay quần áo rồi chuẩn bị xếp hàng ăn tối. Thức ăn Mỹ nấu hàng loạt lạ miệng không ngon. Nhưng sau mấy ngày thiếu thốn trên tàu, tôi thấy người háo và thầm cảm ơn những quả cam ngọt mọng nước. 

Tàu rộng mênh mông lướt nhanh trong đêm đen, nhưng tôi cảm thấy nó như không di chuyển gì. 

Chúng tôi vừa bỏ lại tất cả sau lưng. Nhiều người vừa mất hết tất cả, gia đình, bạn bè, mái nhà, quê cha đất tổ, thảy thảy tất cả những gì quen thuộc trong đời.

Cuộc sống lưu vong bắt đầu…

Tina Hà Giang

1 thought on “Ký ức 30 tháng Tư – từ Sài Gòn đến Guam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *